Trong bối cảnh nền kinh tế bước vào giai đoạn chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, ngành Kỹ thuật Hóa học – vốn được xem là trụ cột phát triển công nghiệp – đang đối mặt với nghịch lý đáng lo: nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, nhưng nguồn nhân lực đầu vào lại liên tục sụt giảm.
Cung không đủ cầu
Theo Tiến sĩ Công Ngọc Thắng – Trưởng bộ môn Lọc – Hóa dầu, Trường Đại học Mỏ - Địa chất – chia sẻ, hiện nhiều doanh nghiệp, viện nghiên cứu đến trường để tuyển dụng kỹ sư Kỹ thuật Hóa học với mức lương khởi điểm từ 15–20 triệu đồng/tháng, nhưng không có đủ sinh viên để đáp ứng.
Được biết, hiện bộ môn đang quản lý hai chương trình đào tạo: Công nghệ Kỹ thuật Hóa học (giảng dạy bằng tiếng Việt) và Kỹ thuật Hóa học (chương trình tiên tiến liên kết với Đại học California Davis – Mỹ, đào tạo bằng tiếng Anh). Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số lượng thí sinh đăng ký đã giảm đáng kể.
Theo khảo sát, chỉ tiêu cho cả hai ngành trong những năm gần đây có phần giảm so với giai đoạn cao điểm trước đây. Lý do đến từ nhiều phía, trong đó có tâm lý e ngại ngành kỹ thuật là “vất vả, độc hại”. Ngoài ra, xu hướng học nghề, chuyển sang các ngành “hot” dễ xin việc hơn. Và sự phân tán thí sinh giữa nhiều cơ sở đào tạo.
![]() |
Ngành Hoá học khá ít sinh viên theo học do có nhiều lí do. Ảnh minh hoạ |
Vị lãnh đạo khoa này từng nhận định, xã hội vẫn chưa thực sự hiểu đúng về ngành kỹ thuật – đặc biệt là Hóa học. Nhiều người cho rằng học ngành này sẽ phải làm việc ở vùng xa, tiếp xúc với hóa chất độc hại, ít cơ hội thăng tiến. Đó là rào cản lớn khiến thí sinh quay lưng”, ông Thắng nhận định.
Được biết, trong những năm qua, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã chủ động cập nhật chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, 100% giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong đó có 3 phó giáo sư), mở rộng hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu tại Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Malaysia, Thái Lan…
Sinh viên được thực tập tại các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hóa chất, dầu khí như Schlumberger, JGC, Rosneft…, tham gia các chương trình trao đổi sinh viên, học bổng quốc tế. Đặc biệt, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh còn tạo cơ hội học tập trực tiếp với giảng viên nước ngoài.
Ngoài đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng được chú trọng, hướng tới giải quyết các vấn đề cấp thiết của sản xuất và môi trường.
Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, tình trạng sụt giảm đầu vào ngành Công nghệ Hóa học cũng diễn ra tương tự. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng khoa Công nghệ Hóa học và Môi trường – cho biết, nhiều năm qua số sinh viên đăng ký chỉ đạt 40–50% chỉ tiêu.
Nguyên nhân chính, theo ông Nghĩa, là sự hiểu lầm dai dẳng rằng học Hóa sẽ phải tiếp xúc nhiều với chất độc, làm việc trong môi trường nguy hiểm. Trong khi trên thực tế, kỹ sư Công nghệ Hóa học có thể làm việc ở nhiều vị trí đa dạng như QA/QC, kỹ sư sản xuất trong các nhà máy mỹ phẩm, thực phẩm, phân bón, cao su, hóa chất…
Không đứng ngoài cuộc, Khoa đã triển khai loạt giải pháp để thích ứng: phát triển Trung tâm Nghiên cứu phân tích và xử lý môi trường, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, kết nối doanh nghiệp để tăng học bổng, tăng cơ hội thực hành cho sinh viên.
Chương trình đào tạo cũng được thiết kế theo hướng “sát sườn” với thực tế, có sự hỗ trợ từ Dự án POHE – chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hà Lan. Sinh viên được thực hành tại doanh nghiệp ngay từ năm đầu, nhiều em được tuyển dụng chính thức ngay sau khi tốt nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển công nghệ xanh, công nghiệp hóa học đóng vai trò trung tâm từ xử lý nước, môi trường, năng lượng sạch đến sản xuất công nghiệp và y sinh. Nếu không có sự chuẩn bị nguồn nhân lực kịp thời, nền kinh tế có thể phải đối mặt với “lỗ hổng” lớn trong chuỗi phát triển.
Học ngành về Hoá học ở đâu?
Hiện nay, nhiều trường đại học uy tín trên cả nước đang đào tạo ngành Hóa học và các chuyên ngành liên quan như Kỹ thuật Hóa học, Công nghệ Hóa học, Hóa phân tích, Hóa môi trường… Một số cơ sở đào tạo nổi bật có thể kể đến như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội, TP.HCM), Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ…
![]() |
Các ngành đào tạo ngành Hoá học có điểm chuẩn khá dễ chịu, dao động từ 16-25 điểm, tuỳ năm. Ảnh: Trường ĐH Mỏ - Địa chất |
Mức điểm trúng tuyển ngành Hóa học trong vài năm gần đây dao động từ 16 đến 25 điểm (theo thang điểm 30, tùy tổ hợp và phương thức xét tuyển).
Các trường top đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội, TP.HCM) thường có mức điểm từ 22–25, trong khi các trường vùng hoặc có chỉ tiêu rộng hơn như ĐH Mỏ – Địa chất, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên dao động khoảng 16–20 điểm.
Hiện nay, mức học phí ngành Hóa học tại các trường đại học công lập dao động từ 12 đến 25 triệu đồng/năm, trong khi các chương trình chất lượng cao hoặc trường tư thục, quốc tế có thể lên tới 40–60 triệu đồng/năm tùy theo chương trình đào tạo. Nhiều trường còn có chính sách học bổng và hỗ trợ học phí hấp dẫn dành cho sinh viên.