Theo dữ liệu do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố vào ngày 27/3, các khách hàng đã rút tổng cộng 214 tỷ euro (khoảng 231 tỷ USD) tiền gửi từ các nhà băng thuộc khu vực đồng tiền chung trong 5 tháng qua. Số tiền rút ra đạt kỷ lục vào tháng 2.

Tiền gửi ngân hàng tại khu vực đồng euro bắt đầu đi xuống vài tháng sau khi ECB tăng lãi suất vào mùa hè năm ngoái, là một sự đảo ngược so với dòng tiền lớn từng đổ vào các ngân hàng, đặc biệt là kể từ sau đại dịch.

Theo đó, Việc tiền gửi chảy ra gần đây cho thấy các nhà băng đang khó thu hút và giữ chân khách hàng hơn. Xu hướng này đã xảy ra từ trước cả khi lĩnh vực ngân hàng xảy ra bất ổn khiến ba nhà băng của Mỹ sụp đổ và đẩy Credit Suisse vào vòng tay UBS.

Vào tháng 2, dòng tiền gửi càng sụt giảm nhanh hơn khi các khách hàng rút ra 71,4 tỷ euro. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi các nhà chức trách bắt đầu thu thập dữ liệu tiền gửi vào năm 1997.

Tiền gửi hộ gia đình sụt 20,6 tỷ euro, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập lần đầu vào năm 2003, tờ Financial Times dẫn báo cáo của ECB cho biết thêm.

Lượng tiền gửi bị rút ra trong 5 tháng qua tương đương 1,5% trong số gần 14 nghìn tỷ euro tiền gửi mà các ngân hàng khu vực eurozone đang quản lý và ít hơn con số 500 tỷ USD mà khách hàng đã rút khỏi các nhà băng Mỹ trong năm qua.

Tại Anh, các khách hàng doanh nghiệp cũng có xu hướng rút tiền gửi tương tự. Tháng 1 năm nay, họ đã rút ra khoảng 20,3 tỷ bảng Anh (tương đương gần 25 tỷ USD) từ các ngân hàng và hiệp hội xây dựng.

Đây là một một kỷ lục mới kể từ khi dữ liệu lần đầu được thu thập vào năm 2009, theo Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Tuy nhiên, tiền gửi hộ gia đình ở Anh tiếp tục tăng thêm 3,5 tỷ bảng.