Tại Mỹ, nhiều công việc từng bị coi là “thấp kém” như quét rác, giết mổ gia súc hay làm việc trên giàn khoan dầu lại đang mang về mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, dù phải đánh đổi bằng điều kiện làm việc khắc nghiệt và ít ai lựa chọn.
![]() |
Để đạt được thu nhập cao, người lao động phải đánh đổi bằng công việc nặng nhọc và áp lực lớn. Ảnh minh hoạ |
Tạp chí Forbes chỉ ra rằng trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng bất ổn, nhiều công việc tay chân từng bị coi thường lại mang đến sự ổn định và mức thu nhập đáng mơ ước. Trong đó, nổi bật là các ngành nghề như vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, giết mổ công nghiệp hay khai thác dầu khí.
Tại thành phố New York, một công nhân vệ sinh có mức lương khởi điểm khoảng 44.821 USD mỗi năm, tương đương gần 1,1 tỷ đồng. Sau hơn 5 năm làm việc, thu nhập có thể tăng lên 92.093 USD, gần 2,3 tỷ đồng, chưa kể phụ cấp và lương làm thêm giờ.
Dẫu vậy, để đạt được thu nhập cao, người lao động phải đánh đổi bằng công việc nặng nhọc và áp lực lớn. Trong ngành giết mổ, công nhân thường xuyên làm việc trong môi trường lạnh, tiếp xúc với máu, xác động vật và phải thực hiện các thao tác lặp đi lặp lại với dao sắc, yếu tố làm tăng nguy cơ tai nạn lao động và chấn thương tâm lý.
Tuy nhiên, mức lương trung bình của công nhân giết mổ và đóng gói thịt vẫn đạt khoảng 39.700 USD mỗi năm, gần 1 tỷ đồng. Những vị trí lành nghề hoặc giám sát viên tại các nhà máy lớn có thể kiếm từ 50.000 đến 70.000 USD mỗi năm, tương đương 1,3 đến 1,8 tỷ đồng.
Một nghề vất vả khác là công nhân giàn khoan dầu, thường xuyên làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đối mặt với các rủi ro về an toàn lao động. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong trong ngành này cao gấp 7 lần mức trung bình toàn quốc tại Mỹ. Tuy nhiên, mức thu nhập của công nhân lành nghề trong lĩnh vực này có thể lên tới 166.500 USD mỗi năm, khoảng 4,3 tỷ đồng, chưa kể các khoản thưởng.
Forbes nhận định, xã hội thường dành sự tán dương cho những ai làm việc trong văn phòng, sở hữu bằng cấp cao, nhưng lại tỏ ra thờ ơ, thậm chí coi thường những người lao động đang góp phần giữ cho guồng máy xã hội vận hành ổn định mỗi ngày.
Nhiều người vẫn tránh né các công việc bị cho là “dơ bẩn”, nặng nhọc và độc hại, từ mùi rác, nước thải, máu me trong lò mổ đến rủi ro chết người ở giàn khoan. Những yếu tố ấy khiến phần đông lựa chọn quay lưng nếu còn có phương án khác.
Không ít người có bằng đại học sẵn sàng vay nợ để theo đuổi một công việc văn phòng, chấp nhận thất nghiệp dài hạn hơn là khoác lên mình bộ đồng phục của một công nhân môi trường hay thợ xử lý nước thải. Chính định kiến xã hội đã khiến những nghề nghiệp thiết yếu này bị đánh giá thấp, bất chấp mức thu nhập thực tế.
Người dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ, Mike Rowe, từng kêu gọi cần tái định nghĩa các nghề lao động tay chân. Theo ông, thay vì gọi là “người xử lý nước thải”, hãy gọi họ là “người bảo vệ môi trường”, nhằm ghi nhận đúng vai trò và giá trị của họ trong xã hội hiện đại.
Dù đang dần được nhìn nhận lại, các ngành lao động chân tay cũng phải đối mặt với thách thức lớn từ làn sóng công nghệ mới. Robot trong lò mổ, xe thu gom rác tự động hay trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế con người trong nhiều công đoạn.
Điều này đòi hỏi lực lượng lao động trong các ngành nghề tưởng như bình dân phải chủ động thích ứng, học thêm kỹ năng, cập nhật công nghệ để giữ vững vị trí trong một thị trường việc làm đang biến đổi mạnh mẽ.