Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính chiều 2/7, bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể - cho biết, sau gần hai tháng triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, tình hình đăng ký kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Riêng trong tháng 6, có hơn 24.000 doanh nghiệp thành lập mới, trung bình có khoảng 800 doanh nghiệp thành lập mỗi ngày, con số cao nhất từ trước đến nay. Mức này cao gấp 1,5 lần so với trung bình 15.000–16.000 doanh nghiệp/tháng trước đó và gấp đôi so với bình quân giai đoạn 2021–2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước đã có hơn 91.000 doanh nghiệp mới, phản ánh một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. Ngoài ra, trên 14.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6, tăng hơn 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, có hơn 61.000 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, tăng hơn 57% so với cùng kỳ.
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng đã vượt số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, với tỷ lệ hơn 1,2 lần.
![]() |
Hơn 24.000 doanh nghiệp thành lập trong tháng 6, mức cao chưa từng có trong lịch sử |
Một điểm tích cực khác là vốn bổ sung của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm 2024. Cùng với doanh nghiệp, số hộ kinh doanh đăng ký mới trong tháng 6 cũng tăng hơn 118% so với cùng kỳ và tăng 60% so với tháng trước, cao gấp 24 lần mức tăng trưởng bình quân tháng của hai năm qua.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, những con số trên cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế đang dần được củng cố. Đồng thời, hiệu quả bước đầu của các chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Hiện Việt Nam có hơn 940.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và 82% tổng số lao động.
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành ngày 4/5/2025, khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp có tầm vóc khu vực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khu vực này được kỳ vọng sẽ đóng góp 55–60% GDP và chiếm khoảng 85% tổng lực lượng lao động.
Để đạt được mục tiêu đó, Nghị quyết đưa ra loạt giải pháp mạnh mẽ: Cải cách thể chế, bãi bỏ rào cản pháp lý, mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng, đất đai và thị trường; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Chính sách cũng nhấn mạnh đến việc hình thành hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trở thành lực lượng tiên phong trong phát triển công nghệ. Đây được xem là cú hích quan trọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp bứt tốc, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay.