Chiều 2/7, tại họp báo thường kỳ quý II, đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính) xác nhận đã nhận được chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ về việc kiểm tra lại quá trình lựa chọn nhà thầu cho gói thầu xây lắp cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Bình Phước, nay thuộc tỉnh Đồng Nai).
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương rà soát các nội dung liên quan sau những phản ánh về dấu hiệu bất thường trong công tác đấu thầu.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: “Bộ Tài chính đã tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đang phối hợp cùng Bộ Xây dựng và tỉnh Đồng Nai để rà soát, làm rõ các vấn đề và sẽ báo cáo sớm nhất”.
Trước đó, ngày 29/5, Phó Thủ tướng đã yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra chậm nhất ngày 10/6. Tuy nhiên, đến tận 19/6, Bộ Tài chính mới gửi báo cáo nên Chính phủ có ý kiến nhắc nhở nghiêm khắc vì chậm trễ. Không chỉ vậy, nội dung báo cáo cũng bị đánh giá là chưa làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, thiếu đánh giá kết quả kiểm tra cũng như chưa có kiến nghị xử lý cụ thể.
Phó thủ tướng Chính phủ giao tiến hành kiểm tra năng lực, kinh nghiệm của Tổ chuyên gia, song Bộ Tài chính chỉ kiểm tra về các Chứng chỉ đấu thầu là chưa làm tròn trách nhiệm.
![]() |
Ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải |
Do đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo lại đầy đủ và cụ thể theo đúng chức năng và quy định pháp luật, trong đó tập trung làm rõ 4 nhóm nội dung trọng điểm:
- Thứ nhất, tính hợp lệ của hồ sơ mời thầu (E-HSMT): Bộ Tài chính phải đánh giá rõ liệu hồ sơ có tuân thủ đầy đủ quy định hiện hành hay không, nhất là các yêu cầu về mô hình thông tin công trình (BIM), mã hiệu và xuất xứ vật tư thiết bị chính. Đồng thời, cần xem xét tiêu chí đánh giá thiết bị có được xây dựng thống nhất hay không và liệu các điểm chưa thống nhất này có thể gây sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Thứ hai, quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu (E-HSDT): Cần làm rõ việc đánh giá của Tổ chuyên gia và Chủ đầu tư có đảm bảo khách quan, chính xác, thống nhất theo đúng yêu cầu của E-HSMT hay không. Đặc biệt, phải xem xét trường hợp Tổ chuyên gia không thực hiện làm rõ hồ sơ dự thầu theo Điều 28 Nghị định 24/2024/NĐ-CP có dẫn tới sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu hay không.
Thứ ba, năng lực của Tổ chuyên gia: Yêu cầu đánh giá toàn diện về năng lực, kinh nghiệm và số lượng thành viên tham gia Tổ chuyên gia. Việc đánh giá không chỉ dựa trên chứng chỉ mà cần căn cứ vào năng lực thực tế trong xử lý các tình huống đánh giá hồ sơ, đặc biệt là trong bối cảnh có sự mâu thuẫn giữa báo cáo chi tiết và báo cáo tổng hợp.
- Thứ tư, kết quả lựa chọn nhà thầu: Bộ Tài chính cần xác định rõ liệu nhà thầu trúng thầu có thực sự đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, giải pháp thi công, tiến độ và hiệu quả kinh tế như đã đề ra trong hồ sơ mời thầu hay không. Đồng thời, quá trình thẩm định, trình và phê duyệt kết quả có đảm bảo tính minh bạch, khách quan, công bằng và đúng pháp luật hay không.
Trước đó, Tập đoàn Sơn Hải đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu cao tốc đoạn qua tỉnh Bình Phước. Gói thầu này thuộc dự án cao tốc TP. HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành với tổng mức đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho rằng việc bị loại khỏi gói thầu là không công bằng, có dấu hiệu bất thường, và việc đánh giá "không đạt yêu cầu kỹ thuật" là không chính xác.