Theo Báo Đấu thầu, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình (tên gọi cũ) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu XL-04: Thi công xây lắp hạng mục nền, mặt đường và các công trình trên tuyến đoạn Km50+260 - Km53+000, thuộc dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình).

Gói thầu này thu hút sự quan tâm của 4 nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau quá trình đánh giá, Tập đoàn Sơn Hải được lựa chọn trúng thầu với giá hơn 545,8 tỷ đồng, thấp hơn 18,2% so với giá dự toán ban đầu là 666,6 tỷ đồng. Hợp đồng được thực hiện theo hình thức đơn giá điều chỉnh, với thời gian triển khai kéo dài 36 tháng.

Trong khi đó, Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô bị loại do không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm. Ba nhà thầu còn lại vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật, song 2 liên danh có mức giá dự thầu không cạnh tranh nên không được lựa chọn, gồm: liên danh CTCP Xây lắp Thương mại Delta - CTCP Tập đoàn Đèo Cả (xếp hạng 2) và liên danh CTCP Sông Đà 10 - CTCP 479 Hòa Bình - CTCP Tập đoàn Xuân Khiêm (xếp hạng 3).

Theo lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải, nhà thầu đã chính thức ký hợp đồng với chủ đầu tư và hiện đang chờ bàn giao mặt bằng để có thể khởi công xây dựng công trình ngay trong tháng 7/2025.

Vượt Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải trúng gói thầu tại dự án cao tốc gần 10.000 tỷ đồng
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Ảnh: Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Hoà Bình)

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn qua tỉnh Hòa Bình) được khởi công từ tháng 9/2024, có tổng chiều dài khoảng 34km, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư. Tuyến đường có điểm đầu tại Km19+000 (thị trấn Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) và điểm cuối tại Km53+000 (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La).

Với vai trò là một trong những tuyến kết nối quan trọng vùng Tây Bắc, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới, kết nối trung du miền núi phía Bắc với đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Trung. Dự án không chỉ góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mà còn thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất, tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.