Chiều 2/7, tại Họp báo thường kỳ quý II, trả lời câu hỏi của báo chí về vụ việc Tập đoàn Sơn Hải – một trong bốn nhà thầu dự thầu bị loại tại gói thầu thi công đoạn đi qua tỉnh Bình Phước cũ (nay thuộc Đồng Nai), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh:
“Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi cam kết kiểm tra lại toàn diện vụ việc, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình với tư cách là cơ quan quản lý đấu thầu cấp quốc gia. Báo cáo mới sẽ được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo đầy đủ nội dung theo yêu cầu".
Trước đó, sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố, Tập đoàn Sơn Hải đã có văn bản kiến nghị, đề nghị xem xét lại tính hợp lệ của kết quả. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra lại toàn bộ quá trình tổ chức đấu thầu, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
Tuy nhiên, báo cáo ngày 19/6 của Bộ Tài chính bị đánh giá là chưa đạt yêu cầu cả về tiến độ và nội dung. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Bộ Tài chính chưa thể hiện đúng vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu. Việc chỉ dừng lại ở kiểm tra chứng chỉ hành nghề của tổ chuyên gia là chưa đủ. Báo cáo cũng chưa có đánh giá độc lập, toàn diện về năng lực, kinh nghiệm, cũng như cơ cấu tổ chuyên gia chấm thầu".
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh minh hoạ. |
Thậm chí, trong quá trình rà soát, Bộ Tài chính còn giao lại cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về nội dung này – điều bị cho là thiếu khách quan và không đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là một trong những tuyến huyết mạch kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc lựa chọn nhà thầu không minh bạch, nếu có, không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư công mà còn có thể gây thiệt hại ngân sách và mất niềm tin của xã hội đối với các dự án hạ tầng trọng điểm.
Việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo rà soát, đồng thời bổ sung cơ chế giám sát mới cho thấy quyết tâm làm trong sạch môi trường đấu thầu, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các dự án đầu tư công quy mô lớn.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến những bất cập trong lựa chọn nhà thầu và yêu cầu phải có cơ chế ngăn chặn tình trạng "quân xanh quân đỏ", ông Văn Trọng Duẩn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Đấu thầu sửa đổi đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, với nhiều nội dung đổi mới, đặc biệt chú trọng việc phòng chống tiêu cực trong đấu thầu.
Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật, trong đó nổi bật là ba hướng cải cách:
Phân cấp mạnh mẽ cho chủ đầu tư, giúp rút ngắn thời gian và tăng tính chủ động trong lựa chọn nhà thầu; Đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, giảm bớt tầng nấc trung gian; Thiết kế cơ chế giám sát trực tiếp, thường xuyên của người có thẩm quyền, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch và loại bỏ cơ hội cho các hành vi thao túng, dàn xếp kết quả.
“Chúng tôi đặt trọng tâm vào xây dựng một cơ chế giám sát liên tục, thay vì chỉ thanh kiểm tra hậu kiểm. Mọi dấu hiệu bất thường đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, tránh tái diễn các trường hợp thiếu minh bạch như phản ánh thời gian qua,” Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, nhấn mạnh.