Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (vốn đầu tư 67 tỷ USD) được xem là tuyến giao thông huyết mạch quốc gia, kết nối hai miền Nam - Bắc và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện có không dưới 5 nhà đầu tư tư nhân bày tỏ mong muốn tham gia thực hiện dự án, trong đó nổi bật là Vingroup (thông qua VinSpeed), Trường Hải (THACO)...
Bên cạnh vai trò kết nối vùng miền, dự án còn được kỳ vọng sẽ tạo ra khối lượng công việc lớn cho các doanh nghiệp hạ tầng trong nước. Phát biểu trong chương trình "Thương hiệu Quốc gia Việt Nam" phát sóng trên VTV1, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT FECON (HoSE: FCN) đã có chia sẻ về góc nhìn của công đồng doanh nghiệp Việt đối với dự án trọng điểm quốc gia này.
Theo ông Khoa, tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ tạo cú hích cho nền kinh tế nói chung mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho các địa phương nơi tuyến đi qua, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho các nhà thầu xây dựng, đơn vị cung cấp vật liệu, thiết bị, đầu máy toa xe...
“Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là động lực quan trọng trong việc kích cầu kinh tế và nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội địa”, ông Khoa nhấn mạnh.
![]() |
Ông Phạm Văn Khoa, Chủ tịch CTCP FECON (FCN) |
Đáng chú ý, ông Phạm Việt Khoa cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực và kinh nghiệm để tham gia sâu vào dự án, thậm chí có thể đảm nhận tới 70% khối lượng công việc, đặc biệt là các hạng mục từ phần ray trở xuống như nền móng, đường, cầu cạn, hầm xuyên núi. Đây đều là những cấu phần kỹ thuật tương đồng với các công trình hạ tầng khác đang được triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở các hạng mục đặc biệt như thiết kế công nghệ, đầu máy, toa xe, điều khiển… doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế về kinh nghiệm và cần thời gian để tiếp cận.
Riêng với FECON, doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị từ sớm. “Từ năm 2017, chúng tôi đã bắt đầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các quốc gia như Đức, Ý trong lĩnh vực xử lý nền móng, tường vây, chống thấm và đào hầm trong đô thị. Các công nghệ này hoàn toàn có thể áp dụng cho đường sắt tốc độ cao”, ông Khoa chia sẻ.
Người đứng đầu FECON cũng đánh giá cao Nghị quyết 68 của Đảng và Nhà nước khi thể hiện rõ sự tin tưởng vào khu vực tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào các dự án lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và bền vững. Theo ông Khoa, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chính là biểu tượng thể hiện tinh thần đổi mới và đột phá trong tư duy phát triển ngành hạ tầng giao thông.
Dù vậy, ông Khoa cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng phần lớn doanh nghiệp hạ tầng trong nước - ngoài một vài tên tuổi lớn - vẫn còn hạn chế về tài chính, nguồn nhân lực và năng lực quản trị. Do đó, để có thể tham gia sâu vào những dự án mang tính chiến lược như đường sắt tốc độ cao, doanh nghiệp cần nỗ lực rất lớn trong việc hoàn thiện hệ sinh thái, nâng cao chất lượng đội ngũ và hiện đại hóa mô hình vận hành.