Giao dịch BHXH không giới hạn địa lý, đơn giản hóa thủ tục

Từ nay đến ngày 1/1/2026, người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cấp sổ bảo hiểm điện tử tích hợp trên tài khoản định danh VNeID. Bản điện tử có giá trị pháp lý tương đương sổ giấy, được lưu trữ và cập nhật thường xuyên.

Ngày 1/7/2025, Nghị định 164/2025/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm chính thức có hiệu lực. Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình số hóa ngành bảo hiểm, tạo nền tảng pháp lý cho việc cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) điện tử trên tài khoản định danh cá nhân (VNeID).

Theo quy định mới, sổ BHXH điện tử sẽ được cấp chậm nhất vào ngày 1/1/2026 và có giá trị pháp lý như bản giấy. Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm tạo lập, lưu trữ và tích hợp thông tin của sổ điện tử vào hệ thống dữ liệu quốc gia và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đối với người lao động thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, sổ BHXH điện tử sẽ do hai cơ quan này trực tiếp quản lý và tích hợp theo quy định riêng, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ bí mật nhà nước.

Nghị định 164 cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân giao dịch BHXH điện tử mọi lúc, mọi nơi thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài chính.

Người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ điện tử 24/7 mà không cần cung cấp lại các loại giấy tờ đã được số hóa hoặc tích hợp sẵn trong các cơ sở dữ liệu quốc gia. Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, trong vòng 2 giờ, Bộ Tài chính sẽ phản hồi bằng Phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả qua email.

Giao dịch điện tử chỉ yêu cầu có tài khoản định danh điện tử (VNeID) và chứng thư số hoặc chữ ký điện tử hợp lệ, đồng thời được công nhận là hoàn tất thủ tục hành chính, không cần thực hiện song song các phương thức khác.

Sổ bảo hiểm xã hội điện tử sẽ được cấp chậm nhất vào ngày 1/1/2026, tích hợp trên VneID
Từ nay đến 1/1/2026, sổ BHXH điện tử sẽ được cấp và tích hợp vào VNeID, thay thế sổ giấy, có giá trị pháp lý tương đương trên toàn quốc.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm: Liên thông, đồng bộ và bảo mật

Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do Bộ Tài chính quản lý sẽ tích hợp toàn diện thông tin cá nhân, hộ gia đình, quá trình tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, cùng với dữ liệu về người sử dụng lao động.

Cụ thể, cơ sở dữ liệu bao gồm:

Thông tin cá nhân: Họ tên, ngày sinh, giới tính, số định danh cá nhân/hộ chiếu, địa chỉ thường trú, thông tin thân nhân.

Thông tin BHXH: Mã số BHXH, đơn vị quản lý, quá trình đóng – hưởng, mã số thuế, chế độ hưởng...

Thông tin BHYT: Mã thẻ, nơi đăng ký KCB ban đầu, thời điểm hiệu lực và hết hạn, lịch sử khám chữa bệnh...

Thông tin BHTN: Thời gian đóng, thời gian được bảo lưu làm căn cứ tính trợ cấp.

Thông tin doanh nghiệp: Mã số, địa chỉ, loại hình, lĩnh vực hoạt động, thông tin liên hệ…

Việc khai thác và sử dụng dữ liệu trong cơ sở này phải tuân thủ quy định về bảo mật và chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, trừ các trường hợp do pháp luật quy định.

Theo thống kê, hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn tất xác thực hơn 98,5 triệu thông tin nhân khẩu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, khoảng 88,5 triệu người đang tham gia hoặc thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Toàn quốc hiện có hơn 621.000 doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và hơn 36 triệu tài khoản sử dụng ứng dụng VssID, trong đó có hơn 5,5 triệu lượt dùng ảnh thẻ VssID để khám chữa bệnh.