Sau một năm 2024 với nhiều dấu mốc mang tính lịch sử – từ việc Bitcoin vượt ngưỡng 100.000 USD cho tới lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đưa blockchain vào chiến lược phát triển quốc gia – thị trường crypto nội địa đang bước vào giai đoạn chuyển mình sâu sắc.
Theo Báo cáo Thị trường Crypto Việt Nam 2024 do Kyros Ventures và Coin68 thực hiện với 2.752 người tham gia khảo sát, Việt Nam đang định hình một thế hệ nhà đầu tư năng động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro từ tâm lý đầu cơ.
Ba yếu tố đáng lưu ý nhất gồm: sự lạc quan thái quá, xu hướng đầu tư ngắn hạn và ảnh hưởng quá mức từ cộng đồng – tất cả đang tạo nên một bức tranh phức hợp, phản ánh cả kỳ vọng lẫn lỗ hổng của nhà đầu tư Việt trong kỷ nguyên tài sản số.
Lạc quan cực độ: Rủi ro lớn khi thiếu nền tảng phân tích
Bức tranh tâm lý thị trường năm 2024 ghi nhận mức độ hưng phấn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. 75% nhà đầu tư Việt Nam tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường crypto, trong khi chỉ 8% bi quan và phần còn lại giữ thái độ trung lập. Tỷ lệ này đã tăng hơn 10 điểm phần trăm so với năm trước, phản ánh tâm lý “risk-on” đang thống trị trong cộng đồng đầu tư.
Niềm tin này còn được củng cố bởi kỳ vọng tăng giá mạnh mẽ: 39,1% nhà đầu tư tin rằng giá Bitcoin sẽ vượt 120.000 USD trong nửa đầu năm 2025, cao hơn đáng kể so với mức 27% vào cuối năm 2023. Không chỉ lạc quan với Bitcoin, 93,5% người khảo sát tin vào một "altcoin season" sẽ diễn ra trong năm tới, cho thấy tâm lý kỳ vọng lợi nhuận vẫn đang dâng cao.
![]() |
Nhà đầu tư Việt kỳ vọng cao, hành động mạo hiểm nhưng chưa hiệu quả. Nguồn: Khảo sát năm 2024 của Kyros Ventures và Coin68 trên 2.752 nhà đầu tư crypto tại Việt Nam. |
Tuy nhiên, mức độ lạc quan này chưa đi kèm với hiệu quả đầu tư tương xứng. Dù 68,8% người dùng đã từng giao dịch futures – loại hình có đòn bẩy cao – nhưng chỉ 48% trong số này có lời, cho thấy rủi ro bị đánh giá thấp so với thực lực thị trường. Trong khi đó, các công cụ có tỷ suất sinh lời cao như Copy Trading (78,3%) và Launchpool (73,4%) lại ít được khai thác hơn, cho thấy sự thiếu định hướng trong lựa chọn chiến lược giao dịch.
Một hệ quả khác là việc nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư vào tài sản biến động cao. Tỷ lệ nắm giữ stablecoin giảm từ 58,6% (2023) xuống 51,6% (2024), trong khi hơn 80% người khảo sát xác nhận đã có lời từ token Layer 1 như ETH, SOL và SUI – phản ánh xu hướng tăng mức độ chấp nhận rủi ro nhưng có thể thiếu nền tảng phân tích vững chắc.
Kỳ vọng ngắn hạn: Thị trường thiếu đi sự kiên nhẫn cần thiết
Một xu hướng đáng lo ngại là sự gia tăng tâm lý đầu tư ngắn hạn, thể hiện rõ qua hành vi lựa chọn thời gian chốt lời. Khi được hỏi về mức độ sẵn sàng chờ đợi để nhận lợi nhuận cao hơn, 77,7% người khảo sát chọn mục tiêu ngắn hạn, tăng mạnh so với 63,3% của năm 2023. Tỷ lệ chọn chiến lược dài hạn chỉ còn lại 22,3%, đánh dấu sự thoái lui đáng kể về sự kiên nhẫn trong đầu tư.
![]() |
Tâm lý đầu tư ngắn hạn đang lấn át tư duy dài hạn. Nguồn: Khảo sát năm 2023–2024 của Kyros Ventures và Coin68 về hành vi đầu tư crypto tại Việt Nam. |
Đáng chú ý, nhóm nhà đầu tư kiên nhẫn có tỷ lệ sinh lời cao hơn – 59% so với 55% của nhóm thiếu kiên nhẫn – theo dữ liệu từ Kyros Ventures. Đây là chỉ dấu rõ ràng rằng đầu tư dài hạn vẫn là chiến lược hiệu quả bền vững, dù hiện không còn là xu hướng chủ đạo.
Tâm lý "đu trend" cũng định hình danh mục đầu tư, khi 85,3% nhà đầu tư đã tham gia memecoin, khiến hệ sinh thái Solana – nơi các memecoin phát triển mạnh – trở thành lựa chọn phổ biến nhất, vượt cả Ethereum. Cùng với đó, 80,1% nhà đầu tư đã trải nghiệm Airdrop hoặc Retroactive, phản ánh xu hướng "chạy theo phần thưởng" hơn là lựa chọn sản phẩm có giá trị sử dụng lâu dài.
![]() |
Xu hướng đầu tư nổi bật năm 2024: Memecoin và Airdrop lên ngôi. Nguồn: Khảo sát hành vi đầu tư crypto tại Việt Nam năm 2024 của Kyros Ventures và Coin68. |
Hệ quả là nhiều dự án blockchain trong nước bị cuốn theo trào lưu ngắn hạn, thay vì tập trung xây dựng sản phẩm thực tiễn. Nếu xu hướng này tiếp tục, thị trường Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội hình thành các sản phẩm mang tính nền tảng, có khả năng cạnh tranh quốc tế lâu dài.
Cộng đồng chi phối mạnh: “Do your friend’s research” là thực tế phổ biến
Theo báo cáo của Kyros Ventures, ảnh hưởng từ cộng đồng đang là yếu tố chi phối quyết định đầu tư của phần lớn người tham gia. 80,5% nhà đầu tư cho biết họ đầu tư theo lời khuyên từ bạn bè hoặc người thân, tăng mạnh so với mức 65% của năm trước. Thậm chí, cụm từ “Do your friend’s research” đã được chính Kyros Ventures dùng để mô tả hiện trạng phổ biến này.
![]() |
Đầu tư theo bạn bè: Xu hướng chi phối hành vi nhà đầu tư crypto Việt. Nguồn: Khảo sát hành vi đầu tư tiền mã hóa tại Việt Nam năm 2024 do Kyros Ventures và Coin68 thực hiện (n = 2.752). |
Tuy “tự tìm hiểu” vẫn đứng đầu trong các kênh tiếp cận thông tin với 78,8% người lựa chọn, nhưng thực tế cho thấy sự chi phối từ cộng đồng và KOLs vẫn là động lực mạnh mẽ định hình hành vi đầu tư. 59,7% người khảo sát tiếp cận thông tin qua cộng đồng, KOLs hoặc nhóm chat, cao hơn cả báo chí chuyên ngành (58%) và website dự án (48,3%).
Xu hướng này càng rõ rệt ở nhóm nữ giới – dù chỉ chiếm khoảng 20% tổng số người khảo sát, nhưng lại có tỷ lệ đầu tư theo bạn bè cao hơn nam giới. Điều này cho thấy yếu tố cảm xúc, sự tin tưởng xã hội và khả năng bị ảnh hưởng bởi cộng đồng là đặc điểm nổi bật của nhóm này.
Tuy mang lại cảm giác "an toàn cộng đồng", hành vi đầu tư theo đám đông dễ khiến thị trường dao động mạnh khi xuất hiện tin đồn, đặc biệt là trong giai đoạn biến động cao. Điều này tạo ra nguy cơ “hiệu ứng dây chuyền” trong các quyết định bán tháo hoặc FOMO, làm suy yếu nền tảng độc lập và kỷ luật tài chính cần thiết của mỗi cá nhân.
Hành lang pháp lý: Động lực dài hạn để điều chỉnh thị trường
Trong khi các rủi ro từ tâm lý đầu tư đang nổi lên, khung pháp lý tại Việt Nam lại ghi nhận những bước tiến tích cực. Theo Kyros Ventures, năm 2024 đánh dấu loạt chuyển động chính sách mang tính chiến lược, bao gồm: Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện khung pháp lý tài sản số trước tháng 5/2025, Quốc hội đưa khái niệm “tài sản số” và “công nghệ blockchain” vào Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, và Chiến lược quốc gia phát triển công nghệ blockchain đến năm 2030.
Đánh giá về viễn cảnh này, bà Jenny Nguyễn – Giám đốc Vận hành tại Kyros Ventures và Coin68 – nhấn mạnh: “Viễn cảnh ngành blockchain và tài sản số ở Việt Nam được pháp luật công nhận và đưa vào khuôn khổ đang ngày càng gần hơn bao giờ hết. Đây đặc biệt sẽ là động lực phát triển mới cho nhóm doanh nghiệp, dự án blockchain nước nhà”.
![]() |
Việt Nam đang tiến gần hơn đến khung pháp lý cho blockchain - Trích phát biểu của bà Jenny Nguyễn, COO Kyros Ventures & Coin68. |
Một hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số bền vững không thể chỉ dựa vào FOMO hoặc xu hướng cộng đồng, mà cần đồng thời có hạ tầng pháp lý rõ ràng, các sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng và cộng đồng nhà đầu tư có kiến thức tài chính căn bản. Nếu tận dụng đúng thời điểm chuyển mình hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành tâm điểm công nghệ blockchain của khu vực Đông Nam Á.