Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tại đây, nhiều tổ chức tín dụng đã đề xuất bổ sung quy định cho phép thuê gia công vàng miếng, kể cả ở nước ngoài, nhằm tăng tính linh hoạt trong hoạt động sản xuất và quản lý kho vàng.
Trong bảng tổng hợp góp ý, một số ngân hàng lớn như ACB, Eximbank, BIDV, VietinBank, MBBank đề xuất bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được cấp phép nhập khẩu vàng miếng hoặc vàng nguyên liệu có quyền thuê gia công sản xuất vàng miếng, bao gồm cả việc thuê doanh nghiệp khác trong hoặc ngoài nước thực hiện gia công, với điều kiện tổ chức được cấp phép vẫn phải chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng sản phẩm.
Các tổ chức này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm rõ khái niệm "sản xuất vàng miếng" – cụ thể là bên được cấp phép có bắt buộc phải trực tiếp sản xuất hay có thể thuê bên thứ ba gia công, miễn sao đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và chịu trách nhiệm cuối cùng.
Trả lời kiến nghị này, NHNN viện dẫn Điều 178 Luật Thương mại 2005, trong đó xác định gia công trong thương mại là hoạt động hợp pháp và được phép thực hiện để sản xuất một phần hoặc toàn bộ sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt hàng.
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ: doanh nghiệp, ngân hàng thương mại được phép sản xuất vàng miếng phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng, hàm lượng sản phẩm, đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất hoặc thuê gia công. Việc bảo hành sản phẩm và lưu trữ dữ liệu liên quan cũng là nghĩa vụ bắt buộc.
![]() |
Nhiều ngân hàng đề xuất được thuê gia công vàng miếng, kể cả ở nước ngoài, trong khi NHNN khẳng định cần mở cửa để thị trường cạnh tranh minh bạch hơn. |
Bên cạnh đề xuất gia công vàng, các ngân hàng HDBank, VietinBank, BIDV, Techcombank tiếp tục kiến nghị bổ sung quy định về thiết lập trung tâm kiểm định độc lập nhằm đảm bảo tính thống nhất và minh bạch về chất lượng vàng miếng trong giao dịch.
Các nội dung kiến nghị bao gồm: Bộ tiêu chuẩn chất lượng vàng miếng; hướng dẫn kiểm định; cho phép tổ chức độc lập đủ năng lực tham gia kiểm định trọng lượng, hàm lượng vàng miếng.
Phản hồi đề xuất này, NHNN cho biết Dự thảo đã quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với vàng miếng, vàng trang sức, và thực hiện công tác kiểm tra chất lượng cũng như kiểm định phương tiện đo lường cho các đơn vị kinh doanh vàng. NHNN sẽ tổng hợp ý kiến, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sửa đổi Thông tư 22/2013 để tổ chức kiểm định hàm lượng vàng miếng và vàng nguyên liệu phù hợp thực tiễn.
Trong khi nhiều ngân hàng ủng hộ mở rộng vai trò tổ chức tín dụng trong lĩnh vực sản xuất vàng, Hiệp hội Kinh doanh vàng và Tập đoàn DOJI lại bày tỏ quan điểm ngược lại. Hai đơn vị này đề nghị không nên cho phép ngân hàng thương mại tham gia sản xuất vàng miếng, vì cho rằng điều này có thể mâu thuẫn với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng về phạm vi hoạt động của ngân hàng.
Giải trình về vấn đề này, NHNN khẳng định việc cho phép ngân hàng thương mại tham gia sản xuất vàng miếng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, công khai và minh bạch trong thị trường vàng miếng.
Theo NHNN, định hướng sửa đổi này bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc "xóa bỏ cơ chế độc quyền nhà nước về sản xuất vàng miếng một cách có kiểm soát", trên nguyên tắc Nhà nước vẫn giữ vai trò quản lý chặt chẽ. Dự thảo quy định cụ thể các điều kiện cấp phép, chỉ lựa chọn những doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có đủ năng lực tài chính và tuân thủ quy định pháp luật để được tham gia sản xuất vàng miếng.
Nếu được thông qua, các nội dung sửa đổi tại Dự thảo Nghị định 24/2012 sẽ tạo hành lang pháp lý mới cho thị trường vàng, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng trong nước thường xuyên chênh lệch lớn so với quốc tế. Việc mở rộng đối tượng được phép sản xuất vàng miếng và cho phép thuê gia công – kể cả ở nước ngoài – có thể giảm áp lực cung, tăng tính cạnh tranh và góp phần bình ổn thị trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng và tránh rủi ro chất lượng, cơ chế kiểm định độc lập và tiêu chuẩn hóa vàng miếng là yêu cầu bắt buộc nếu thị trường được mở rộng cho nhiều chủ thể cùng tham gia sản xuất.