Ngày 10/7, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG – China Pacific Construction Group), doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng, do ông Nghiêm Giới Hòa sáng lập.
![]() |
Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và CPCG |
Tại đây, CPCG đề xuất lập báo cáo tiền khả thi cho dự án hầm đường bộ xuyên Vịnh Cửa Lục với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2025 đến 2030.
Dự án hầm xuyên biển được định hướng là công trình biểu tượng mới của tỉnh, có ý nghĩa lớn về giao thông, đô thị và phát triển kinh tế - xã hội. Theo thiết kế sơ bộ, hầm dài 2.750m, trong đó phần hầm ngầm dưới đáy biển khoảng 2.140m (gồm 1.000m hầm dìm và 1.140m hầm dẫn), quy mô 6 làn xe. Công trình được thiết kế chịu được động đất đến cấp 6 Richter, cho phép lưu thông với vận tốc 60km/h, sẽ trở thành hầm vượt biển lớn nhất Việt Nam khi hoàn thành.
Trên cơ sở đề xuất, CPCG mong muốn nghiên cứu thêm quy hoạch tổng thể khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục, hình thành một đô thị thông minh, sinh thái và hiện đại đi kèm nếu dự án được triển khai theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Để đẩy nhanh tiến độ, tập đoàn đã thành lập văn phòng đại diện tại Quảng Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá cao đề xuất của nhà đầu tư, kỳ vọng với kinh nghiệm triển khai hàng nghìn dự án trong và ngoài Trung Quốc, CPCG sẽ mang đến cách tiếp cận hiện đại, công nghệ tiên tiến và tầm nhìn dài hạn cho quy hoạch hạ tầng và phát triển đô thị khu vực.
CPCG là tập đoàn đầu tư – xây dựng hạ tầng tư nhân lớn nhất Trung Quốc, hiện xếp thứ 96 trong Fortune Global 500. Năm 2023, tập đoàn này đạt doanh thu gần 80 tỷ USD. Tập đoàn hiện đang triển khai hơn 3.000 dự án khu công nghiệp và đô thị trên thế giới, sở hữu hơn 100 công ty đầu tư nước ngoài tại các thị trường như Malaysia, Iran, Ukraine…
Năm 2024, doanh thu của tập đoàn này đạt 76,4 tỷ USD.
Tại Việt Nam, CPCG đang mở rộng hiện diện thông qua loạt dự án lớn. Năm 2024, tập đoàn ký biên bản ghi nhớ với TP. Hà Nội và Vinaconex (Mã VCG) để triển khai tuyến metro số 5 và cầu Tứ Liên – tổng vốn dự kiến 85.000 tỷ đồng. Giữa tháng 5/2025, liên danh gồm CPCG, Vincons (thuộc Vingroup), Phương Thành, Hưng Phú… đã trúng thầu gói thầu 10.800 tỷ đồng thuộc dự án xây cầu Tứ Liên (gần 20.000 tỷ đồng), một trong những công trình giao thông trọng điểm tại Thủ đô.
![]() |
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội có sự tham gia của CPCG (Nguồn ảnh: UBND TP. Hà Nội) |
Từ đầu năm 2025, CPCG liên tục làm việc với nhiều địa phương như Hải Phòng, Bắc Ninh, Yên Bái, Lào Cai, TP. HCM… với loạt đề xuất liên quan tới hạ tầng logistics, khu công nghiệp, khu đô thị và cửa khẩu thông minh. Tập đoàn cũng lên kế hoạch đặt trụ sở điều phối toàn quốc tại Bắc Ninh để phục vụ chiến lược dài hạn.
Dự án hầm xuyên Vịnh Cửa Lục từng được Quảng Ninh đưa vào kế hoạch từ năm 2019 nhưng tạm dừng để ưu tiên nguồn lực cho các công trình cấp bách. Đến nay, khi năng lực cân đối ngân sách được cải thiện, tỉnh chủ trương khơi thông lại dự án, khuyến khích xã hội hóa thông qua mô hình PPP hoặc BT.
Việc CPCG tham gia nghiên cứu và bày tỏ mong muốn đầu tư là dấu hiệu tích cực cho thấy sức hút hạ tầng Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nếu dự án được triển khai đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, đây sẽ là một biểu tượng hạ tầng mới của Quảng Ninh, vừa thúc đẩy phát triển vùng ven biển, vừa đặt nền móng cho định hướng thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.