Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng vừa công bố tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý 4/2023. Trong đó, tính đến 31/11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.022.532 tỷ đồng. Điều này cho thấy nguồn tài chính đổ vào thị trường bắt đầu sôi động hơn, tăng so với giai đoạn trước.

Nỗi lo dòng tiền 'đeo bám' doanh nghiệp bất động sản
Tính đến 31/11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.022.532 tỷ đồng

Cần đa dạng hóa nguồn vốn

Trong năm 2023, mặc dù tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận 311.240 tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản là 73.200 tỷ đồng (chiếm 23,5% tổng giá trị, tăng 40,8% so với năm 2022).

Tuy nhiên, ông Sinh cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự. Khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023.

Để thị trường bất động sản sớm phục hồi, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: Về nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.

"Về giá thành sản phẩm bất động sản, doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền", ông Sinh cho biết.

Nỗi lo về khoản nợ ngân hàng

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, một vấn đề nữa là ngay trong tháng 1 này, có 15.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đáo hạn. Đỉnh điểm tháng 3/2024, có đến 23.300 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Nỗi lo dòng tiền 'đeo bám' doanh nghiệp bất động sản

Doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, nhất là trong năm 2024.

Trước những khó khăn về dòng tiền, ông Lực cho rằng doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, nhất là trong năm 2024.

Cụ thể, cần đa dạng hóa nguồn vốn khi ngoài tín dụng ngân hàng còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, tiền từ khách hàng, quỹ REIT, thuê tài chính. Đồng thời hướng tới minh bạch, cụ thể hồ sơ thuế, tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán.

Bên cạnh đó, ông Lê Viết Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cũng nhận định, các khoản nợ đến hạn trả ngân hàng chính là nỗi lo lớn của các doanh nghiệp địa ốc hiện nay.

Song, sự ra đời Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về việc giãn nợ và không chuyển nhóm nợ đã giúp cho các doanh nghiệp xây dựng cũng như vật liệu xây dựng vượt qua được giai đoạn hết sức khó khăn. Qua đó, ông Hải đánh giá cao những phản hồi rất nhanh và tích cực từ phía các cơ quan chức năng.

Bởi theo ông Hải, ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng với bất động sản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau “môi hở răng lạnh”. Khi bất động sản gặp khó khăn thì ngành xây dựng và vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn. Khi nhà thầu chính chậm thanh toán thì các nhà thầu phụ cũng chậm thanh toán dẫn đến ảnh hưởng đến hàng ngàn lao động.

Ngoài ra, về thông tin Chính phủ cân nhắc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, ông Hải cho rằng, việc gia hạn là khẩn trương, không nên để hết hạn mới gia hạn vì cần cơ cấu những khoản nợ đến hạn trước khi Thông tư chấm dứt. Việc này hết sức quan trọng để giúp cho hệ sinh thái xây dựng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của thị trường.