Từ ngày 19/5/2025, các ngân hàng tham gia phương án tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ được phép nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) lên tối đa 49%, thay vì mức trần 30% đang áp dụng chung cho toàn ngành.
Động thái này được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa thu hút vốn ngoại quy mô lớn, trở thành lực đẩy quan trọng giúp các ngân hàng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tài sản mạnh mẽ trong những năm tới.
Theo quy định mới, chính sách nới room chỉ áp dụng cho các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, trong đó hiện có 3 cái tên đang tham gia tái cơ cấu là: HDBank (HDB), MBBank (MBB) và VPBank (VPB). Ngân hàng quốc doanh Vietcombank (VCB), dù cũng tham gia đề án, không thuộc diện được nâng giới hạn sở hữu nước ngoài do giới hạn pháp lý hiện hành.
Theo đánh giá của VIS Rating, tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao hơn sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng huy động thêm vốn mới, từ đó củng cố nền tảng tài chính để mở rộng quy mô tài sản, tín dụng và đầu tư hạ tầng số. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các ngân hàng đang được hưởng hàng loạt ưu đãi từ NHNN như hạn mức tăng trưởng tín dụng cao, tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp, hỗ trợ thanh khoản và các cơ chế linh hoạt khác.
![]() |
Giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài mới sẽ áp dụng cho HDB, MBB và VPB |
![]() |
HDB, MBB và VPB cần bổ sung vốn mới |
VIS Rating lưu ý rằng, nếu duy trì mức tăng trưởng tài sản trên 25% trong vòng hai năm tới – cao hơn nhiều so với trung bình ngành – ba ngân hàng HDB, MBB và VPB sẽ phải sớm bổ sung vốn để đảm bảo duy trì hệ số an toàn vốn (CAR). Ước tính, nếu không có các biện pháp tăng vốn kịp thời, CAR của các ngân hàng này có thể giảm từ 150-300 điểm cơ bản vào cuối năm 2026.
Trước đây, các ngân hàng chủ yếu dựa vào lợi nhuận giữ lại và trái phiếu tăng vốn cấp 2 để đáp ứng nhu cầu vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh mở room ngoại, nguồn vốn từ các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ là giải pháp mang tính bền vững và hiệu quả hơn.
Dù cơ hội rõ ràng, quá trình tiếp cận và đạt được thỏa thuận đầu tư với đối tác nước ngoài thường kéo dài và nhiều rào cản. VPBank, chẳng hạn, đã mất khoảng hai năm để hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vào năm 2023. HDBank cũng đang tích cực tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong suốt 5 năm qua.
Trong khi đó, MBBank hiện chưa có thông báo chính thức về kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, và được dự báo sẽ tiếp tục dựa vào nguồn vốn nội bộ để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng.
Mặc dù không được nới room, Vietcombank vẫn đặt kế hoạch chào bán 6,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2025-2026, trong đó có Mizuho – cổ đông chiến lược hiện hữu. Nếu giao dịch thành công, VIS Rating ước tính CAR của Vietcombank có thể cải thiện hơn 200 điểm cơ bản so với mức hiện tại.
Đối với VPBank, sự hiện diện của SMBC không chỉ là nguồn vốn mà còn là đòn bẩy để mở rộng hoạt động kinh doanh. Năm 2024, quy mô cho vay doanh nghiệp FDI của VPBank đã tăng gấp ba lần lên 3.700 tỷ đồng, nhờ hỗ trợ từ SMBC. Đầu tháng 5/2025, ngân hàng này tiếp tục công bố khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD do SMBC và một số tổ chức quốc tế thu xếp, phục vụ mục tiêu tài chính bền vững.
![]() |
Mức tăng CAR của một số ngân hàng |
Về dài hạn, sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ giúp tăng cường bộ đệm hấp thụ rủi ro của các ngân hàng thông qua việc bơm vốn mới và hỗ trợ chiến lược tăng trưởng kinh doanh, quản trị rủi ro cũng như tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế.
Ví dụ, với sự hỗ trợ từ SMBC, quy mô cho vay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của VPB đã tăng gấp 3 lần lên 3,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2024. VIS Rating cũng được biết rằng vào ngày 5/52025, VPB đã công bố huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD, được thu xếp bởi SMBC và một số ngân hàng nước ngoài khác để tài trợ cho hoạt động tài chính bền vững của ngân hàng.