Nới room tín dụng như "làn gió mới" củng cố kỳ vọng của các nhà đầu tư

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc xem xét nâng hạn mức tín dụng phù hợp để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5- 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo tính toán của NHNN, sẽ có thêm hơn 240.000 tỷ đồng vốn sẽ được cho vay ra nền kinh tế trong dịp cuối năm nay.

Trong bối cảnh chỉ còn 3 tuần nữa là hết năm, đây là một tin vui với tất cả các lĩnh vực. Đầu tiên, phải kể đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, với kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn nhờ dòng vốn mới.

Động thái nới room tín dụng toàn hệ thống thêm 1,5 - 2% của NHNN (lên khoảng 15,5 – 16% so với cuối 2021) đã phần nào giảm bớt sức nóng từ thị trường lãi suất. Nhưng sự gia tăng của tỷ lệ LDR trong thời gian qua cũng cho thấy các ngân hàng đang đứng trước bài toán về cân đối vốn.

Cụ thể, trong báo cáo mới đây của Chứng khoán KB (KBSV), nhóm phân tích cho biết BIDV được nới room khoảng 2% nhưng cũng phần nào gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn để giải ngân hết phần room tín dụng được cấp.

"Việc cải thiện sự mất cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động sẽ đóng vai trò quan trọng để BIDV nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng", báo cáo nhận định.

Bên cạnh việc nới room, NHNN cũng đã có những nỗ lực nhất định để cải thiện tình trạng này. Kèm trong thông báo nới room tăng trưởng tín dụng, NHNN cũng cho biết sẽ hỗ trợ thanh khoản để các ngân hàng có thể giải ngân tín dụng.

Đáng chú ý, theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, với tình trạng hồ sơ tín dụng xếp hàng như hiện nay, lượng tiền khoảng 200.000 tỷ đồng được cấp ra cho nền kinh tế vào lúc này sẽ nhanh chóng được hấp thụ, chủ yếu đi vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Chứng khoán ACBS cũng nhận định hệ thống ngân hàng vẫn đủ năng lực để cung ứng nguồn tín dụng trên ra nền kinh tế.

Tuy nhiên, chuyên gia của ACBS cũng cho rằng chênh lệch tín dụng - huy động tiếp tục âm trong ít nhất hai quý nữa. Đồng thời, áp lực tăng lãi suất liên tiếp tục cao trong thời gian tới do NHNN cần duy trì chênh lệch dương giữa lãi suất USD và VND liên ngân hàng để hỗ trợ tỷ giá và hạn mức tín dụng mới sẽ được cấp vào đầu năm 2023 kết hợp với nhu cầu tiền mặt cao đầu năm.

Từ phía Chính phủ, Thủ tướng mới đây cũng đã có công điện gửi Thống đốc NHNN chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế,đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất.

Trong đó Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Doanh nghiệp cần vốn như cần oxy

Theo ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM, năm 2022, những khó khăn liên quan thị trường chứng khoán, hạn mức (room) tín dụng… khiến các doanh nghiệp sản xuất chịu chi phí đầu vào tăng cao, từ nguyên liệu, phụ liệu, bao bì, vật tư, phí vận chuyển đến tiền lương cho người lao động đã điều chỉnh theo chính sách tăng lương tối thiểu vùng.

Đáng nói, doanh nghiệp sau dịch thiếu lao động, các doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại khiến phát sinh chi phí. Năng suất lao động sau thời gian đại dịch giảm, cấu thành giá thành sản phẩm bị tăng. Đối với những doanh nghiệp bị phụ thuộc nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị ở thị trường bên ngoài thì tỷ giá tăng đã ảnh hưởng lớn… Tất cả khiến doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn.

Có thể thấy doanh nghiệp đói vốn, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỏa tốc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn cần có độ trễ, doanh nghiệp mong muốn từ chỉ đạo này, các ngân hàng thương mại sớm nới room tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel đặt câu hỏi NHNN thiết kế chính sách cho doanh nghiệp trước và sau dịch khác nhau thế nào? Có khác biệt gì không? "Chúng tôi mong Chính phủ chỉ ra sự khác biệt đó bởi không chỉ ra được thì ngân hàng không dám làm gì hết", ông Kỳ nói.

Ông Kỳ cho rằng chính sách phải đi trước nhưng thực tế lại đang đi sau, vừa đi vừa mò thì doanh nghiệp rất khổ. "Chúng ta nên bình tĩnh đánh giá lại. Trong vòng 3 tuần hoặc 7 tuần (kéo dài đến hết tháng 1/2023) tiêu thụ hết gần 400.000 tỷ đồng vốn tín dụng là vô phương", vị doanh nhân nhận định.

Theo Chủ tịch Vietravel, cần thiết kế chính sách đi trước và phải nhanh để các định chế, trong đó có tài chính và ngân hàng, đi theo. Sau dịch, cơ thể ốm yếu cần oxy, tài chính là oxy mà chia nhau thế này thì doanh nghiệp không thể khoẻ được. Chính phủ có chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho 1 số đối tượng doanh nghiệp nhưng du lịch lại không được đưa vào diện ưu đãi. Tương tự, ngành hàng không cũng đang thiếu vốn trầm trọng nhưng chính sách thiết kế cho 2 ngành này gần như không có.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, cũng chia sẻ, bất động sản là một ngành kinh tế tổng hợp và trụ cột của nền kinh tế, đóng góp rất nhiều. Có mặt tốt và chưa tốt, mặt chưa tốt thì cần uốn nắn. Còn giờ tất cả đều khó.