Tại xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh), mô hình trồng rau nhút chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân, trở thành một trong những điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế địa phương.

Những năm qua, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua lao động sản xuất, huyện Cầu Kè đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó, mô hình trồng rau nhút ở xã Phong Thạnh được đánh giá là một hướng đi bền vững, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.

Báo Dân Việt dẫn lời ông Nguyễn Văn Nhớ – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Thạnh, mô hình trồng rau nhút được triển khai từ năm 2020, bắt đầu với 11 hộ tham gia.

Nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội, đến nay toàn xã đã có 93 hộ chuyển đổi đất lúa sang trồng rau nhút, với tổng diện tích khoảng 51,3 ha. Mô hình này không chỉ giúp cải thiện thu nhập cho các hộ dân mà còn tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Anh Võ Thành Phát, nông dân ấp 1, xã Phong Thạnh, là một trong những người tiên phong với mô hình này. Trước đây, gia đình anh sống chủ yếu nhờ trồng lúa nhưng hiệu quả thấp.

Nông dân Trà Vinh nhổ lúa trồng thứ rau đặc sản: Thu hoạch đến đâu thương lái gom sạch, thu nhập 8 con số/tháng
Cánh đồng rau nhút của nông dân Trà Vinh. Ảnh: Tổng hợp

Sau khi chuyển sang trồng rau nhút trên diện tích hơn 2.000m², cuộc sống gia đình anh đã có bước chuyển tích cực. Mỗi ngày, anh thu hoạch từ 100 - 150kg rau, được thương lái thu mua tận ruộng với giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, thu nhập hàng ngày đạt từ 1 - 1,5 triệu đồng. Nhờ vậy, chỉ sau hơn 3 năm duy trì mô hình, gia đình anh Phát đã có cuộc sống ổn định và tích lũy được nguồn vốn đáng kể.

Theo chia sẻ của anh Phát, trồng rau nhút khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp (chỉ khoảng 3 triệu đồng cho mỗi 1.000m²). Rau nhút sinh trưởng nhanh, sau 7 ngày có thể bắt đầu thu hoạch và mỗi vụ kéo dài từ 4 - 6 tháng. Người trồng chỉ cần nắm vững kỹ thuật, đặc biệt là khâu chọn giống, xử lý sâu bệnh và bón phân hợp lý để đảm bảo an toàn thực phẩm và năng suất cao.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, anh Trần Nghĩa Nhân (cùng ngụ ấp 1, xã Phong Thạnh) đã mạnh dạn chuyển 5.000m² đất lúa sang trồng rau nhút. Nhờ đầu tư bài bản, xử lý đất kỹ lưỡng và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau vài vụ trồng, anh Nhân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh thu hoạch gần 5 tấn rau nhút, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Nông dân Trà Vinh nhổ lúa trồng thứ rau đặc sản: Thu hoạch đến đâu thương lái gom sạch, thu nhập 8 con số/tháng
Anh Nhật hái rau nhút giao cho thương lái. Việc chuyển từ trồng lúa sang trồng loại rau đặc sản này giúp đem lại thu nhập cao cho các hộ gia đình. Ảnh: Báo Dân Việt

Không chỉ dừng lại ở rau nhút, anh Nhân còn tận dụng phần đất cao phía trên ao để trồng hành lá xen canh. Với diện tích khoảng 1.000m², mỗi năm anh trồng được 4 – 5 vụ, sản lượng đạt từ 4 – 5 tấn hành/năm. Với giá bán từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, thu nhập từ hành lá mang lại cho gia đình anh từ 50 – 60 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Mô hình trồng rau nhút đang trở thành điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Phong Thạnh. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình còn góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Chính quyền địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và nhân rộng mô hình này trong toàn xã.