Theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC), Hàn Quốc đã quyết định cấm bán khống cổ phiếu từ tháng 11 năm ngoái cho đến tháng 6/2024 nhằm mục đích cải thiện quy tắc và hệ thống. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, Chính phủ nước này đã quyết định gia hạn lệnh cấm này - có thể đến ngày 30/3/2025 - để ngăn chặn việc bán khống bất hợp pháp và giảm bớt lo ngại rằng những hành vi đó có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và làm suy yếu niềm tin của thị trường.

Trước đó cùng ngày, FSC cho biết họ sẽ thành lập một nền tảng giám sát điện tử để phát hiện việc bán khống cổ phiếu bất hợp pháp.

Trong tuyên bố hôm thứ 5, Chính phủ Hàn Quốc đã nhấn mạnh rằng họ sẽ tăng hình phạt tài chính và án tù lên đến chung thân đối với các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm cả việc bán khống. Các điều khoản tương tự về yêu cầu hoàn trả và ký quỹ cũng sẽ được áp dụng cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức để tạo ra một sân chơi bình đẳng.

Nóng: Một quốc gia châu Á dự định phạt tù chung thân người bán khống
Hàn Quốc đang lên kế hoạch phạt tới gấp 6 lần lợi nhuận từ việc bán khống bất hợp pháp, tăng từ mức 5 lần hiện nay

Đối với lệnh cấm bán khống - các nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng hoan nghênh nhưng lại gây tranh cãi trong cộng đồng tài chính vì chiến lược này được các nhà quản lý tiền tệ ở các thị trường khác sử dụng rộng rãi.

Tuyên bố cũng cho biết thêm, các nhà chức trách đang lên kế hoạch phạt tới gấp 6 lần lợi nhuận từ việc bán khống bất hợp pháp, tăng từ mức 5 lần hiện nay. Những người thu lợi nhuận (ít nhất là 5 tỷ won) từ các hành vi sai trái trong giao dịch như vậy có thể phải đối mặt với án tù chung thân, một sự thay đổi so với mức án tù tối đa 30 năm trước đây.

Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ áp dụng thời hạn trả nợ là 90 ngày cho cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, ngoài ra có thể kéo dài đến 12 tháng. Những người tham gia bán khống bất hợp pháp sẽ bị hạn chế làm Giám đốc điều hành tại các công ty niêm yết và công ty tài chính ở Hàn Quốc. Các quy định chặt chẽ hơn cũng sẽ được áp dụng trong việc tiết lộ các vị thế bán. Những thay đổi sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội.

Được biết, ngay sau khi giao dịch bán khống bị cấm, quốc gia châu Á này đã tiến hành một cuộc điều tra đối với các ngân hàng toàn cầu để xem xét kỹ lượng các giao dịch bán khống trong quá khứ của họ. Tính đến hiện tại, các nhà điều tra đã phát hiện các giao dịch bán khống bất hợp pháp trị giá 156 triệu USD của 9 ngân hàng đầu tư toàn cầu, hầu hết đều vi phạm quy tắc thủ tục.