Trong nửa đầu năm 2025, Việt Nam cấp mới 86 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký lên tới 357,7 triệu USD – gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với 18 lượt điều chỉnh vốn tăng thêm 129,4 triệu USD (gấp 7 lần cùng kỳ). Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đạt 487,1 triệu USD, tăng tới 3,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2024.
Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, phản ánh xu hướng các doanh nghiệp trong nước ngày càng chủ động mở rộng hiện diện toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Trong số 30 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận dòng vốn đầu tư từ Việt Nam trong 6 tháng qua, Lào tiếp tục là điểm đến hàng đầu với 150,3 triệu USD, chiếm gần 31% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Philippines và Indonesia lần lượt xếp thứ hai và ba với 61,8 triệu USD và 60,5 triệu USD – tương ứng 12,7% và 12,4% tổng vốn.
Đáng chú ý, Đức và Hoa Kỳ cũng nằm trong nhóm năm quốc gia hàng đầu thu hút vốn từ Việt Nam, lần lượt nhận 50,6 triệu USD (chiếm 10,4%) và 30,2 triệu USD (chiếm 6,2%). Đây là tín hiệu cho thấy sự mở rộng địa lý đầu tư của Việt Nam không chỉ dừng lại ở khu vực châu Á, mà còn hướng mạnh sang các nền kinh tế phát triển.
Xét theo lĩnh vực, các ngành được nhà đầu tư Việt Nam ưu tiên rót vốn bao gồm sản xuất và phân phối điện, khí đốt, điều hòa với 111,2 triệu USD (chiếm 22,8%), vận tải và kho bãi với 78,5 triệu USD (chiếm 16,1%) và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 76,8 triệu USD (chiếm 15,8%). Các lĩnh vực này không chỉ tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị phần, mà còn cho thấy xu hướng chuyển dịch đầu tư sang các ngành có khả năng sinh lời cao, ít phụ thuộc vào thị trường nội địa.
![]() |
(Ảnh minh họa) Việt Nam cấp mới 86 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký lên tới 357,7 triệu USD. |
Không chỉ các doanh nghiệp nhà nước, nhiều tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam cũng đang ngày càng tự tin vươn ra quốc tế. Tiêu biểu có thể kể đến Tập đoàn TH với các dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Nga và Lào; Tập đoàn FPT đẩy mạnh đầu tư vào thị trường công nghệ thông tin tại Nhật Bản, Mỹ, Đức; Tập đoàn T&T mở rộng đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng và nông nghiệp tại châu Phi và Lào; hay Tập đoàn Đức Long Gia Lai với các dự án thủy điện tại Lào và Campuchia. Mục tiêu của các doanh nghiệp này không chỉ là tìm kiếm thị trường mới mà còn là nâng cao năng lực cạnh tranh, học hỏi công nghệ, quản trị tiên tiến và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.