Tại hội thảo: “Dòng chảy pháp luật 2024–2025 và những khuyến nghị cho doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá trong những năm gần đây, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã trải qua một hành trình chuyển biến đáng kể, từ vai trò bị hạn chế đến việc được thừa nhận là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.
![]() |
Kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ - Ảnh minh họa |
Theo ông Tuấn, một dấu mốc thể hiện rõ sự thay đổi trong tư duy chính sách là sự ra đời của Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68). Theo ông Tuấn, hiếm có nghị quyết nào nhận được sự quan tâm rộng rãi trên truyền thông như Nghị quyết này.
Ông Tuấn cho rằng đây là bước ngoặt về tư duy. Trước đây khu vực tư nhân là khu vực bị ngăn cấm, hạn chế thì nay, “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.
“Lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam gắn liền với quá trình cải cách pháp lý và thể chế. Trước thời kỳ đổi mới, các hoạt động kinh doanh cá nhân thường bị kiểm soát chặt chẽ, trong nhiều trường hợp là không được thừa nhận. Hình ảnh doanh nhân trong xã hội cũng từng bị nhìn nhận một cách phiến diện, thể hiện qua các mô típ định kiến trong phim ảnh hay văn hóa đại chúng”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, chỉ cách đây mười mấy năm, trên phim ảnh bao giờ cũng là một ông giám đốc béo tròn và một cô thư ký xinh đẹp. Đó là một cách nhìn méo mó về doanh nhân và hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, bắt đầu từ Luật Doanh nghiệp năm 1999, Việt Nam đã thực hiện bước cải cách lớn khi chuyển từ cơ chế “xin – cho” sang cơ chế đăng ký kinh doanh. Theo đại diện VCCI, đây được coi là một thay đổi căn bản, mở đường cho sự phát triển của khu vực tư nhân.
Đến năm 2014, một bước tiến mới được xác lập khi nhà nước muốn hạn chế, muốn cấm kinh doanh lĩnh vực gì thì phải liệt kê ra, còn lại người dân được quyền kinh doanh, tức chỉ những ngành nghề bị cấm mới không được phép kinh doanh; còn lại, người dân có quyền tự do tham gia thị trường. Các cải cách tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn 2016–2017, khi các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện được nâng lên cấp nghị định, thay vì chỉ dừng lại ở thông tư như trước.
Tuy vậy, ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng trọng tâm của chính sách không nên đặt vào việc phân biệt khu vực kinh tế nào là “nhất”, mà là ở việc thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng. Trong sân chơi đó, mỗi doanh nghiệp, bất kể thuộc khu vực nào sẽ tự chứng minh năng lực của mình thông qua kết quả hoạt động và giá trị mang lại cho nền kinh tế. Đây được xem là hướng đi bền vững trong xây dựng thể chế thị trường và thúc đẩy phát triển toàn diện.
“Nhưng điều quan trọng không phải là ai nhất, chúng ta không nên xếp hàng, không tạo ra sự bất bình đẳng, mà là tạo một sân chơi công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế. Người chơi sẽ tự chứng minh năng lực, khả năng của mình”, ông Đậu Anh Tuấn nói.