Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới

Ngày 10/7, tại Hội thảo Quốc tế OPEC lần thứ 9, OPEC đã công bố báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới năm 2025 - gửi đi một thông điệp quan trọng: Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất là cho đến năm 2050, đồng thời khẳng định nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là không khả thi.

Cụ thể, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ đạt trung bình 105 triệu thùng/ngày trong năm nay, tăng từ mức 103,7 triệu thùng của năm ngoái. Sau đó, nhu cầu sẽ tiếp tục tăng lên 106,3 triệu thùng/ngày vào năm 2026 và đạt 113,3 triệu thùng/ngày vào năm 2030.

Vào năm 2050, ​​nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ đạt 122,9 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 120,1 triệu thùng/ngày được dự báo trong báo cáo năm ngoái. Con số này cũng cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức khác trong ngành, chẳng hạn như BP.

Tính trung bình trong giai đoạn 2024 - 2050, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến tăng trưởng 19,2%, từ 103,7 triệu thùng/ngày năm 2024 lên khoảng 123 triệu thùng/ngày vào năm 2050.

OPEC: Nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là không khả thi, dầu mỏ vẫn là trụ cột năng lượng toàn cầu đến 2050
Cơ cấu tiêu thụ dầu toàn cầu - Nguồn: OECD

Trong đó, nhu cầu tiêu thụ dầu tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong tổng nhu cầu toàn cầu, xét theo khu vực. Cụ thể, trong năm nay, OECD dự kiến tiêu thụ 45,8 triệu thùng/ngày, chiếm tỷ trọng khoảng 44%. Sang năm 2030, con số này dự kiến tăng lên 46,6 triệu thùng/ngày.

Báo cáo chỉ rõ nhu cầu dầu toàn cầu đã hoàn tất quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong thời gian tới. Tuy vậy, tăng trưởng nhu cầu dầu có dấu hiệu tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Cụ thể, theo báo cáo, Trung Quốc dự kiến tiêu thụ 16,7 triệu thùng/ngày trong năm nay - chiếm 16% tổng nhu cầu dầu toàn cầu - giảm từ mức 17,5 triệu thùng/ngày được dự báo năm ngoái. Tới năm 2030, nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng lên 18,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn 300.000 thùng so với ước tính năm ngoái.

OPEC: Nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là không khả thi, dầu mỏ vẫn là trụ cột năng lượng toàn cầu đến 2050
Cơ cấu nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu - Nguồn: OPEC

Lý giải về việc tiêu thụ dầu chậm lại tại Trung Quốc, OPEC cho biết tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại lại, sự thâm nhập nhanh hơn của xe điện và cơ sở hạ tầng sạc liên quan, cũng như kế hoạch thay thế dầu mỏ trong một số lĩnh vực là các yếu tố chính làm giảm nhu cầu dầu tại quốc gia này.

Về triển vọng dài hạn, theo OPEC, để theo kịp nhu cầu ngày càng tăng, ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu sẽ cần số vốn đầu tư khoảng 18,2 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Con số này bao gồm kinh phí cho thăm dò, sản xuất, lọc dầu, vận chuyển và bảo trì.

Nếu không đầu tư đầy đủ, thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng và bất ổn giá cả.

Nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là không khả thi

Bên cạnh bức tranh tiêu thụ dầu toàn cầu, báo cáo của OPEC cũng đề cập đến một vấn đề quan trọng: Tính khả thi của kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch - một trong những chiến lược quan trọng và cần thiết để hạn chế nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo báo cáo, OPEC chỉ rõ nhiên liệu hóa thạch vẫn là trụ cột chính trong nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu ít nhất là cho đến năm 2050, đồng thời khẳng định các nỗ lực nhằm chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch nhanh chóng là điều không khả thi.

Cụ thể, theo OPEC tính toán, đến năm 2050, nhiên liệu hóa thạch vẫn là trụ cột trong nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu - chiếm thị phần hơn 60% - trong đó dầu mỏ đóng góp khoảng 30% và 50% khi kết hợp cùng với với khí đốt.

Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất điện, vào năm ngoái, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch chiếm 58% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện toàn cầu. Sang năm 2030, con số này chỉ giảm nhẹ xuống khoảng 50%.

OPEC nhấn mạnh rằng quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu phải “có trật tự, công bằng và toàn diện”. Trong khi việc sử dụng năng lượng tái tạo đang lan rộng, nhiều quốc gia vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ cho vận tải, sản xuất và phát triển kinh tế.

OPEC: Nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là không khả thi, dầu mỏ vẫn là trụ cột năng lượng toàn cầu đến 2050
Câu chuyện về việc nhanh chóng loại bỏ dầu mỏ và khí đốt là điều không khả thi - Ảnh: Internet

Làm rõ hơn về vấn đề này, tại Hội nghị, Tổng Thư ký OPEC, ông Haitham Al Ghais cho biết nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dân số ngày càng gia tăng, đô thị hóa mở rộng, sự xuất hiện của các ngành công nghiệp mới tiêu tốn nhiều năng lượng như trí tuệ nhân tạo (AI), cùng đó là việc nhu cầu được cung cấp năng lượng cho hàng tỷ người chưa được tiếp cận.

Ông khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh trong những năm tới, đồng thời nhận định rằng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ chủ yếu đến từ các nước đang phát triển trong những năm tới. Đặc biệt, Ấn Độ, Trung Đông và Châu Phi sẽ là động lực tăng trưởng chính, trong khi nhu cầu ở châu Âu và Bắc Mỹ dự kiến ​​sẽ chững lại hoặc giảm.

Đánh giá về kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, ông Haitham Al Ghais khẳng định hiện nhiên liệu hóa thạch (dầu, khí và than) vẫn chiếm khoảng 80% cơ cấu năng lượng toàn cầu - gần như không thay đổi so với thời điểm OPEC được thành lập từ năm 1960. Ông cho biết câu chuyện về việc nhanh chóng loại bỏ dầu mỏ và khí đốt là điều không khả thi.

Những diễn biến như việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Khí hậu của Liên Hợp Quốc và tốc độ thâm nhập xe điện chậm lại ở châu Âu có thể dẫn đến quá trình chuyển đổi năng lượng chậm hơn ở các nước đang phát triển, những nền kinh tế vốn cần nhiều năng lượng để phát triển kinh tế.