Một con chip lưu trữ nhỏ bé, chịu được cả khi bị luộc trong nước muối và nướng trong lò ở 250 độ C, mà vẫn giữ nguyên dữ liệu? Điều tưởng chừng chỉ có trong phim viễn tưởng này lại đang được một startup Đức biến thành hiện thực. Cerabyte, công ty non trẻ nhưng đầy tham vọng vừa giới thiệu loại bộ nhớ có độ bền vượt xa mọi chuẩn mực thông thường, được ví như “bộ nhớ không thể phá hủy” của tương lai.
Không giống như ổ cứng truyền thống hay thẻ nhớ flash vốn dễ bị hư hỏng do nhiệt độ cao, nước hoặc từ trường, công nghệ mà Cerabyte phát triển sử dụng vật liệu là gốm siêu mỏng phủ trên bề mặt kính. Đây là những lớp vật liệu chỉ dày khoảng 50 đến 100 nguyên tử, gần như mỏng đến mức không thể tưởng tượng. Dữ liệu được ghi lên bề mặt bằng cách sử dụng tia laser cực nhanh – loại laser femtosecond để tạo ra hàng triệu lỗ nhỏ trên bề mặt vật liệu. Mỗi lỗ đó chính là một bit dữ liệu.
![]() |
Công nghệ mà Cerabyte phát triển sử dụng vật liệu là gốm siêu mỏng phủ trên bề mặt kính |
Lớp gốm đặc biệt này lại có khả năng chịu được những điều kiện môi trường khắc nghiệt mà các thiết bị lưu trữ thông thường không thể trụ nổi. Bằng chứng là chip lưu trữ của Cerabyte đã được thí nghiệm trong điều kiện cực đoan: bị luộc trong nước muối sôi, rồi tiếp tục nướng trong lò ở nhiệt độ 250 độ C mà dữ liệu vẫn nguyên vẹn. Đây là minh chứng rõ ràng cho một tương lai mà dữ liệu sẽ không còn phụ thuộc vào ổ cứng mong manh hay thẻ nhớ dễ hư hỏng.
Công nghệ này còn hướng tới việc lưu trữ lâu dài hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ. Bởi lẽ, không giống như ổ cứng HDD hay SSD có tuổi thọ giới hạn, bộ nhớ bằng gốm không có bộ phận chuyển động, không cần cấp điện để duy trì dữ liệu và không bị ảnh hưởng bởi bức xạ hay các sự cố điện từ. Nếu như xảy ra thiên tai, cháy nổ hoặc sự cố hạt nhân, những chip Cerabyte có thể vẫn còn tồn tại để lưu lại dữ liệu cho hậu thế.
Về mặt hiệu suất, mỗi chip hiện tại có thể chứa 1GB dữ liệu và được ghi bằng tia laser tốc độ 2 triệu bit mỗi lần bắn. Trong tương lai, Cerabyte đặt mục tiêu tăng đáng kể dung lượng lưu trữ và tốc độ ghi. Một sản phẩm đặc biệt được họ hé lộ là CeraTape, một dạng băng từ nhưng sử dụng công nghệ gốm, với khả năng lưu trữ lên tới 1 exabyte (một tỷ GB) trong một cuộn duy nhất.
Mặc dù triển vọng rất lớn, nhưng Cerabyte cũng thừa nhận rằng họ vẫn phải vượt qua nhiều rào cản trước khi công nghệ này có thể thương mại hóa rộng rãi. Những thách thức lớn bao gồm độ bền vật lý khi rơi vỡ, khả năng sản xuất hàng loạt với chi phí hợp lý và tích hợp vào các hệ thống lưu trữ hiện đại. Dù vậy, họ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa giá thành lưu trữ xuống dưới 1 USD cho mỗi TB, mức giá phá vỡ mọi chuẩn mực chi phí trong ngành lưu trữ.