PVN, EVN, TKV, VNPT, ACV và loạt ông lớn vừa mang về gần 42 tỷ USD cho Bộ Tài chính
Ảnh minh họa

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vừa diễn ra, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.

Theo báo cáo tại hội nghị, tổng doanh thu hợp nhất của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 1,077 triệu tỷ đồng (gần 42 tỷ USD theo tỷ giá hiện hành); lợi nhuận trước thuế vượt 82.115 tỷ đồng; nộp ngân sách trên 102.783 tỷ đồng. Giải ngân đầu tư phát triển đạt hơn 93.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025 là bắt buộc. Ông yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty chủ động phương án sản xuất – kinh doanh, phấn đấu vượt kế hoạch năm và chuẩn bị cho giai đoạn 2026–2030, với một số doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng hai con số.

Các nhiệm vụ trọng tâm được giao gồm: đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là xăng dầu, điện, lương thực; tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động; mở rộng thị trường và chủ động thích ứng với các rào cản thương mại. Đồng thời, phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư công và vốn doanh nghiệp.

Một nội dung trọng yếu khác là đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, coi đây là giải pháp đột phá để tăng năng suất và sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp được yêu cầu nghiêm túc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.

Về thể chế, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương, phân cấp quản trị, sắp xếp bộ máy tinh gọn. Đồng thời, xử lý dứt điểm các vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn, công khai minh bạch thông tin.

PVN, EVN, TKV, VNPT, ACV và loạt ông lớn vừa mang về gần 42 tỷ USD cho Bộ Tài chính

Lãnh đạo Bộ Tài chính và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tại lễ chuyển giao, ngày 28/2/2025. (Nguồn ảnh: Bộ Tài chính)

Tại hội nghị, Bộ trưởng cũng phân công cụ thể cho các đơn vị trực thuộc. Theo đó:

- Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước: Hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước; chủ trì tổng kết Nghị quyết 12-NQ/TW năm 2017 và đề xuất nghị quyết mới.

- Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính: Xây dựng Đề án phát triển kinh tế nhà nước, xác định rõ vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước.

- Vụ Tổ chức cán bộ: Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chí bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm minh bạch, năng lực, phẩm chất.

- Cục Thuế, Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Hải quan: Rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách thuế, đầu tư, xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Xử lý dứt điểm các tồn đọng về tăng vốn, niêm yết, chào bán cổ phiếu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững và đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Được biết, từ ngày 1/3/2025, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chính thức kết thúc hoạt động. Toàn bộ 18 tập đoàn, tổng công ty từng trực thuộc cơ quan này đã được chuyển giao về Bộ Tài chính để tiếp tục thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.

Danh sách các doanh nghiệp chuyển giao bao gồm 7 tập đoàn lớn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Cùng với đó là 11 tổng công ty, bao gồm: Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).

Riêng Tổng Công ty Viễn thông MobiFone được chuyển giao về Bộ Công an quản lý.

6 tháng đầu năm, tổng doanh thu toàn Petrovietnam ước đạt 510.000 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất Petrovietnam ước đạt 310.000 tỷ, nộp ngân sách Nhà nước đạt 66.500 tỷ đồng.