Ngân hàng đầu tư Jefferies dự kiến giá trị thị trường chứng khoán (TTCK) của Ấn Độ sẽ tăng hơn gấp đôi lên 10 nghìn tỷ USD vào năm 2030, nhờ vào khả năng mang lại lợi nhuận 2 con số và kỳ vọng nước này sẽ tiếp tục cải cách kinh tế.

Với vốn hóa 4.500 tỷ USD, TTCK Ấn Độ đã nhanh chóng vượt qua Hồng Kông (Trung Quốc) vào tháng trước.

Tuy nhiên, tỷ trọng của nước này trong các chỉ số chứng khoán toàn cầu vẫn dưới 2%, tạo nhiều cơ hội cho người nước ngoài tăng cường đầu tư, theo các nhà phân tích nhận định.

Đại diện tập đoàn ngân hàng Jefferies cho biết: “Điều này sẽ thay đổi khi tỷ lệ cổ phiếu chuyển nhượng tự do (free-float) trên thị trường tăng lên và một số điểm bất thường về tỷ trọng được giải quyết”.

Báo cáo tiết lộ thêm, nếu Ấn Độ giữ vững được kỷ lục tạo lợi nhuận hàng năm 10% (tính theo đồng USD) như trong 2 thập kỷ qua, thì thị trường này sẽ “không thể bị các nhà đầu tư lớn trên toàn cầu bỏ qua”.

Quốc gia châu Á 'tỏa sáng', được đánh giá là thị trường hấp dẫn nhất thế giới khiến nhà đầu tư không thể bỏ lỡ
Vốn hóa thị trường của Ấn Độ đang theo sát GDP của nước này. Nguồn: Bloomberg

Là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, Ấn Độ trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt đối với những người muốn chuyển hướng khỏi Trung Quốc.

Bên cạnh đó, GDP của quốc gia Nam Á này ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 7%, lên 3,6 nghìn tỷ USD trong thập kỷ qua, giúp nền kinh tế nhảy vọt từ nền kinh tế lớn thứ 8 lên vị trí thứ 5.

Jefferies kỳ vọng GDP của Ấn Độ sẽ chạm mốc 5 nghìn tỷ USD vào năm 2027, đưa kinh tế quốc gia này vượt lên trên Nhật Bản và Đức nhờ lợi thế về dân số, sức mạnh thể chế và các tiêu chuẩn quản trị được cải thiện.