Kết phiên 29/11, cổ phiếu MWG bị khối ngoại bán ròng thêm 2,9 triệu cổ phiếu - mức cao nhất thị trường; giá trị bán ròng tương ứng đạt 113 tỷ. Đây cũng là phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại cổ phiếu đầu ngành bán lẻ.

Đóng cửa, MWG tăng 2,1% lên mức 38.800 đồng/cp; khối lượng giao dịch đạt 8,5 triệu đơn vị.

Thực tế, đà bán ròng của khối ngoại tại cổ phiếu nhà Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã diễn ra trong 2 tháng trở lại đây cùng với nhịp giảm mạnh của mã từ vùng 59.x.

Tổng cộng, khoảng 64 triệu cổ phiếu MWG đã được nhà đầu tư nước ngoài bán ra kể từ phiên 12/9 (thời điểm mã tạo đỉnh). Tính theo giá trung bình giai đoạn này là 48.x đồng/cp, giá trị rút ròng tạm tính khoảng 3.000 tỷ đồng.

Hiện tại, Thế giới Di động chỉ còn duy nhất 1 cổ đông ngoại là nhóm quỹ Dragon Capital với tỷ lệ sở hữu còn khoảng 7%. Từ đầu năm 2023 tới nay, cá mập này đã bán ra gần 50 triệu cổ phiếu MWG.

Ở diễn biến khác, với việc bán ròng hơn 50 triệu cổ phiếu sau 7 tháng gần nhất, Arisaig Asian Fund Limited - quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners (Singapore) cũng đã rời ghế cổ đông lớn tại MWG kể từ ngày 14/11 vừa qua (hiện nhóm chỉ còn nắm khoảng 73 triệu cp - tỷ lệ 4,997%).

Việc xả bán cổ phiếu khiến room ngoại tại Thế giới Di động hở "cực đại" 4,6% - mức cao nhất sau nhiều năm gần như kín room (tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại tại MWG là 49% vốn).

Với việc 64 triệu cổ phiếu MWG được bổ sung vào thị trường trong 2 tháng qua, thanh khoản cổ phiếu VN30 này cũng tăng mạnh với trung bình 11,1 triệu cp/phiên - gấp 7,4 lần sau nửa năm.

Room ngoại hở
Diễn biến giá cổ phiếu MWG

Câu chuyện kinh doanh sa sút nghiêm trọng cũng như triển vọng ngắn hạn kém khả quan là nguyên nhân chính dẫn đến đà lao dốc của cổ phiếu MWG trong hơn 2 tháng qua.

Với việc giá chìm sâu dưới các đường MA50 - 200, câu chuyện tích sản cổ phiếu Thế giới Di động cho mục tiêu dài hạn của nhà đầu tư cũng cần thêm rất nhiều sự kiên nhẫn.