Năm 2024 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của nhiều công ty tài chính sau giai đoạn khó khăn kéo dài. Không chỉ thoát lỗ, một số doanh nghiệp còn ghi nhận lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm, chứng minh khả năng thích ứng và chiến lược kinh doanh hiệu quả..
Năm 2024: EVNFinance lãi kỷ lục, HDSaison đem về 1.200 tỷ đồng
Home Credit dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm các công ty tài chính. Công ty ghi nhận lãi sau thuế 1.291 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với năm 2023, lợi nhuận cao nhất 4 năm qua.
HD Saison theo sát với LNTT đạt 1.200 tỷ đồng, tăng mạnh 84%. Năm 2024, HD Saison đặt mục tiêu đạt 1.500 tỷ đồng lợi nhuận. Công ty kỳ vọng hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu tín dụng tiêu dùng và các chính sách hỗ trợ của NHNN.
![]() |
EVNFinance, công ty tài chính tổng hợp duy nhất trên HoSE ghi nhận 704 tỷ đồng LNTT, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Với đà bứt phá ấn tượng, EVNFinance báo lãi kỷ lục, giữ vững vị trí Top 3 trong ngành về tốc độ tăng trưởng, cho thấy sự hiệu quả trong mô hình kinh doanh lai giữa ngân hàng và tổ chức tài chính tiêu dùng.
Bước sang năm 2025, EVNFinance đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 960 tỷ đồng, tổng tài sản dự kiến đạt 80.000 tỷ đồng, đồng thời giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Đáng chú ý, quý I/2025, EVNFinance ghi nhận LNTT đạt 306 tỷ đồng, tăng 86%. Như vậy, công ty hoàn thành 32% mục tiêu LNTT do ĐHĐCĐ giao phó.
Trong khi đó, FE Credit, F88 và Shinhan Finance – những công ty từng báo lỗ trong năm 2023 – đã có lãi trở lại. Cụ thể, FE Credit ghi nhận lợi nhuận trước thuế 408 tỷ đồng, F88 ghi nhận 362 tỷ đồng và Shinhan Finance đạt 56 tỷ đồng.
Bên cạnh những điểm sáng, VietCredit báo lỗ trước thuế gần 156 tỷ đồng, Mirae Asset Finance thu hẹp lỗ còn 159 tỷ đồng (so với mức lỗ kỷ lục 963 tỷ đồng năm 2023). Mcredit, dù không lỗ nhưng lợi nhuận trước thuế giảm mạnh xuống còn hơn 51 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 4 năm qua.
Chiến lược hệ sinh thái: Cú hích cho lợi nhuận 2025 tăng trưởng
Nhu cầu vay tiêu dùng đang hồi phục khi kinh tế Việt Nam dần lấy lại đà tăng trưởng, thu nhập người dân cải thiện và lãi suất vay duy trì ở mức thấp. Đặc biệt, Thông tư 12/2024 cho phép tổ chức tín dụng cho vay dưới 100 triệu đồng mà không cần phương án sử dụng vốn, mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận tín dụng cho nhóm khách hàng phổ thông.
Trong bối cảnh đó, chiến lược phát triển theo hệ sinh thái tài chính đang trở thành động lực then chốt giúp các công ty tài chính tăng trưởng lợi nhuận và mở rộng thị phần.
HD Saison nổi bật trong nhóm các công ty tài chính có hệ sinh thái mạnh mẽ. Công ty là thành viên của HD Financial Group, bên cạnh HDBank, Vikki Digital Bank, HD Securities,, HD Insurance, HD Capital và Đông Á Money Transfer. Nhờ vậy, HD Saison hưởng lợi không chỉ từ nguồn vốn ổn định mà còn từ hệ sinh thái khách hàng rộng lớn và mạng lưới phân phối phủ khắp cả nước.
Bên cạnh HD Saison, nhiều công ty tài chính khác cũng đang tận dụng sức mạnh hệ sinh thái để tăng tốc. Home Credit sau khi về tay Tập đoàn tài chính KASIKORNBANK (Thái Lan). FE Credit là mảnh ghép chiến lược trong hệ sinh thái VPBank, tận dụng kênh vốn và nền tảng công nghệ tài chính để mở rộng danh mục sản phẩm. FE Credit, sau quá trình tái cấu trúc, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ VPBank và đối tác chiến lược SMBC.
Trong khi phần lớn công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vận hành dưới sự hậu thuẫn của ngân hàng, EVNFinance nổi bật với mô hình độc lập và tích hợp đa tầng. Là công ty tài chính tổng hợp duy nhất đang niêm yết trên HoSE, EVNFinance không chỉ gia tăng tính minh bạch trong quản trị mà còn sở hữu lợi thế huy động vốn linh hoạt.
Ngoài ra, EVNFinance tích hợp AI và dữ liệu lớn vào quy trình vận hành, thẩm định tín dụng và quản trị rủi ro. Nhờ vậy, EVNFinance duy trì các chỉ số vận hành vượt trội: Hiệu quả chi phí (CIR) thấp nhất ngành tài chính - chỉ 12,53%, và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thuộc Top dẫn đầu (1,66%).
Đặc biệt, việc phát hành thành công trái phiếu xanh – điều chưa công ty tài chính tiêu dùng nào khác đạt được, khẳng định vai trò tiên phong trong xu hướng phát triển bền vững (ESG), thu hút nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước.
Về triển vọng ngành tài chính tiêu dùng, theo đánh giá của FinGroup, dư địa thị trường còn lớn khi tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện mới chiếm hơn 10% GDP – tỷ lệ còn khá khiêm tốn nếu so với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, tín dụng tiêu dùng chiếm tới hơn 40% GDP, còn ở Hồng Kông (Trung Quốc), tỷ lệ này vượt 20%.
Không chỉ có dư địa tăng trưởng, ngành tài chính tiêu dùng còn được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là quy định nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng: với các khoản vay dưới 100 triệu đồng, khách hàng không còn bắt buộc phải trình bày phương án sử dụng vốn chi tiết. Thay vào đó, chỉ cần cung cấp thông tin cơ bản về mục đích vay và khả năng trả nợ – bước tiến đáng kể giúp thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng, nhất là trong nhóm khách hàng đại chúng.