Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,3% trong năm 2023

Tăng trưởng GDP năm 2023 đối mặt với nhiều thách thức

Sáng 13/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 3/2023 với chủ đề “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng”.

Tại lễ công bố báo cáo, các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức do những diễn biến của kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm và nhu cầu giảm, lạm phát tăng cao, các điều kiện tài chính và tiền tệ bị thắt chặt cũng như mức độ phức tạp về địa chính trị gia tăng.

Mới đây, việc đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 ở Hoa Kỳ, tác động của sự kiện này sẽ tiếp tục trong những ngày và tuần tới, có thể dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,3% trong năm 2023

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, các chuyên gia kinh tế từ Ngân hàng Thế giới cũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng khá tích cực trong năm 2022 với mức tăng trưởng GDP trên 8%, sự tăng trưởng mạnh mẽ này một phần do hiệu ứng tăng thấp của năm 2021 và nhu cầu trong nước phục hồi sau thời kỳ phong toả và xuất khẩu đạt kết quả vững chắc trong 3 quý đầu năm 2022.

Bước sang năm 2023, các chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đối mặt với khá nhiều thách thức do hoạt động xuất khẩu sang một số quốc gia như Mỹ, châu Âu yếu hơn và việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, do đó tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,3% trong năm 2023, thấp hơn mức tăng trưởng hơn 8% của năm 2022 do động lực tăng trưởng năm 2023 sẽ yếu đi bởi những tác động của thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.

Cải thiện tăng trưởng bằng đầu tư công và đóng góp của lĩnh vực dịch vụ

Cũng theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, mặc dù có những thách thức đang phải đối mặt, song nền kinh tế Việt Nam có thể hoạt động tốt hơn nữa nếu việc thực hiện chi tiêu ngân sách, đặc biệt là đầu tư công, hiệu quả hơn. Cùng với đó, vai trò của chính sách hỗ trợ tài khóa và thực thi hiệu quả sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình toàn cầu có nhiều bất ổn.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,3% trong năm 2023

Có một số vấn đề về việc thực hiện đầu tư công tại Việt Nam chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do liên quan đến giải phóng mặt bằng, hay những hạn chế liên quan đến điều chỉnh kế hoạch thực hiện dự án, những hạn chế trong quá trình đấu thầu, điều làm làm ảnh hưởng đến khả năng tài khoá và ảnh hưởng đến đến tăng trưởng kinh tế trong nước. Do đó, Chính phủ cần có những chính sách để tăng cường hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới.

Khu vực dịch vụ Việt Nam đã đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế và việc làm. Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ bao gồm nhiều ngành, tiểu ngành và có thể tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ được chia thành 4 nhóm chính, bao gồm: Dịch vụ xã hội, chiếm 14,4%, như: Dịch vụ y tế, giáo dục; Dịch vụ đổi mới sáng tạo toàn cầu, chiếm 6,4%, đây là dịch vụ đòi hỏi kỹ năng rất cao như dịch vụ kỹ thuật, hành nghề chuyên môn, dịch vụ tài chính…; Dịch trong nước kỹ năng thấp, chiếm 44,7% gồm bán lẻ, cá nhân, hành chính hỗ trợ, giải trí…; Dịch vụ kỹ năng thấp có thể tham gia thương mại, chiếm 34,5% gồm: Vận tải, bán buôn, du lịch, lưu trú.