Mua lại cổ phiếu quỹ: Bảo vệ quyền lợi cổ đông hay dấu hiệu bế tắc?
Tại ĐHCĐ thường niên năm tài chính 2024–2025 diễn ra ngày 18/3, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã thông qua kế hoạch mua lại từ 50–100 triệu cổ phiếu quỹ, tối đa 30% lượng cổ phần đang lưu hành.
Theo ban lãnh đạo, mục tiêu chính của đợt mua là “dự phòng để bảo vệ lợi ích cổ đông trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Tập đoàn”.
Thời điểm diễn ra đại hội, cổ phiếu HSG giao dịch quanh mức 18.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu thực hiện đủ kế hoạch, doanh nghiệp sẽ cần chi ra vài nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo tài chính cho thấy Hoa Sen đang nắm khoảng 1.500 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền (tại ngày 31/12/2024) – đủ tiềm lực để mua lại, nếu thị trường thuận lợi.
Về mặt lý thuyết, mua lại cổ phiếu quỹ là biện pháp thường được áp dụng khi doanh nghiệp có nguồn lực tài chính nhàn rỗi, nhằm giảm lượng cổ phiếu lưu hành, qua đó EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) được cải thiện. Đồng thời, đây cũng là động thái thể hiện niềm tin của ban lãnh đạo vào triển vọng phát triển, cũng như quan điểm rằng cổ phiếu đang bị thị trường định giá thấp.
Tại đại hội, lãnh đạo HSG cũng nêu quan điểm này khi cho rằng: “Hiện nay, giá trị sổ sách của cổ phiếu HSG theo BCTC quý I tại ngày 23/01/2025 đang ở mức 17.908 đồng/cổ phiếu. So sánh với thị giá trên sàn, cho thấy cổ phiếu có thể đang bị định giá thấp so với giá trị thực của tài sản và vốn chủ sở hữu mà Công ty sở hữu”.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhà đầu tư có thể đặt câu hỏi: Việc mua lại cổ phiếu quỹ có cho thấy dấu hiệu của sự bế tắc trong chiến lược sử dụng vốn?
Bởi khi không tìm thấy cơ hội đầu tư hiệu quả hơn, doanh nghiệp chọn cách “tự đầu tư vào chính mình” như một phương án tối ưu ngắn hạn. Trong trường hợp đó, dòng tiền nhàn rỗi không tạo ra giá trị mới, mà chỉ xoay vòng nội bộ để duy trì niềm tin thị trường.
![]() |
Một góc nhà máy Hoa Sen. Ảnh: tinnhanhchungkhoan |
Loay hoay tìm động lực tăng trưởng
Trong bối cảnh lãnh đạo nhận định ngành tôn thép không còn nhiều dư địa phát triển, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đang đối mặt với bài toán tăng trưởng khó khăn.
“Ngành tôn thép giỏi lắm chỉ đi ngang, xu thế chung là phải đi xuống”, Chủ tịch Lê Phước Vũ thừa nhận tại ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2024–2025.
Trước thực tế đó, HSG buộc phải mở rộng định hướng phát triển sang các lĩnh vực phi cốt lõi. Từ đại hội cổ đông năm ngoái, tập đoàn đã thông qua chủ trương mở rộng ngành nghề kinh doanh, bao gồm tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, cơ khí chính xác, công nghệ bán dẫn…, với tổng mức đầu tư tối đa lên tới 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau hơn một năm, những lĩnh vực này vẫn chưa mang lại chuyển biến rõ rệt. Các chiến lược từng được kỳ vọng lại đang dần bị thu hẹp hoặc loại bỏ.
Một trong những kế hoạch không thành là việc niêm yết CTCP Nhựa Hoa Sen – đơn vị phụ trách toàn bộ hoạt động kinh doanh mảng nhựa của tập đoàn. Dù từng được hoạch định sẽ đưa lên sàn cùng với CTCP Hoa Sen Home (phụ trách phân phối vật liệu xây dựng và nội thất), nhưng trong kế hoạch tái cấu trúc mới đây, Hoa Sen quyết định không niêm yết Nhựa Hoa Sen và giảm tỷ lệ sở hữu từ 99% xuống dưới 50% thông qua việc phát hành 35 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược.
Tham vọng lấn sân sang bất động sản cũng chưa đem lại kết quả tích cực. Nhiều dự án trước đây của HSG, từ nghỉ dưỡng tại Bình Thuận đến bất động sản công nghiệp, đã bị tạm dừng hoặc rút lui trong im lặng.
Một ví dụ điển hình là dự án Trung tâm thương mại – khách sạn Hoa Sen Yên Bái, được khởi công từ năm 2016 và từng dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, sau hơn 8 năm, dự án vẫn dở dang. Phần trung tâm thương mại chỉ mới hoàn thiện phần thô, các hạng mục còn lại như cơ điện, nội thất và PCCC chưa thi công xong.
Trong hai năm gần đây, Hoa Sen đã có những nỗ lực tái khởi động dự án, như tăng vốn điều lệ cho CTCP Hoa Sen Yên Bái – chủ đầu tư dự án – lên 421 tỷ đồng, rồi tiếp tục góp thêm 200 tỷ đồng vào tháng 5/2024, nâng tỷ lệ sở hữu lên 97,26%.
Tuy vậy, cũng trong năm 2024, xuất hiện thông tin HSG có thể đang tìm cách chuyển nhượng dự án này. Dù ban lãnh đạo không xác nhận cụ thể trong Nghị quyết nhưng tài liệu họp ĐHCĐ năm tài chính 2023-2024 có đề cập việc HĐQT HSG bàn bạc, thống nhất chủ trương xúc tiến, tìm kiếm đối tác có nhu cầu để chuyển nhượng dự án khách sạn Hoa Sen.
Đến tháng 5/2024, dự án bất động sản tại Yên Bái được xem là có dấu hiệu "hồi sinh" khi trên website của Tập đoàn Hoa Sen bất ngờ xuất hiện thông báo mời thầu thi công hoàn thiện kiến trúc và nội thất khách sạn. Theo báo cáo tài chính, vào ngày 31/12/2024, giá trị dở dang của dự án ghi nhận ở mức 392,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,1 tỷ đồng so với cuối quý III cùng năm.
![]() |
Dự án dang dở Trung tâm thương mại – khách sạn Hoa Sen Yên Bái. Ảnh: Cafeland |
Cái giá của lựa chọn "ngồi im"
“Sometimes the best action is no action” – đôi khi hành động tốt nhất là không hành động gì cả. Câu châm ngôn này có vẻ đặc biệt đúng với Tập đoàn Hoa Sen khi nhìn lại bài học từ dự án thép Cà Ná.
Khởi xướng từ năm 2016, Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná (Ninh Thuận) được kỳ vọng sẽ là cú nhảy vọt trong chiến lược phát triển của HSG, với tổng mức đầu tư lên tới 10 tỷ USD. Tuy nhiên, sau ba năm tạm dừng triển khai để đánh giá lại các yếu tố công nghệ, thị trường và đặc biệt là rủi ro môi trường, đến tháng 7/2020, Hoa Sen chính thức rút khỏi dự án.
Lý do được đưa ra là “bối cảnh khách quan không còn phù hợp với chiến lược phát triển”. Từ một phát ngôn gây chú ý của Chủ tịch Lê Phước Vũ thời điểm khởi động dự án: “Ngu gì không làm thép, ngu gì không đầu tư”, đến quan điểm hiện tại: “Giờ nhìn lại, đó là điều may, nếu làm thì sẽ bị mệt. Giờ không nợ là nhờ không làm dự án đó”, cho thấy sự chuyển hướng rõ rệt trong tư duy chiến lược của ban lãnh đạo.
Thực tế cho thấy, việc từ bỏ dự án Cà Ná đã giúp Hoa Sen tránh được rủi ro tài chính lớn, giữ được bảng cân đối kế toán lành mạnh, không sa vào các khoản nợ dài hạn và duy trì được hệ số thanh khoản an toàn.
Kết quả là trong hai năm tài chính gần đây, cổ đông HSG được nhận cổ tức bằng tiền, điều rất khó thực hiện nếu doanh nghiệp có những dự án đầu tư lớn.
![]() |
Hoa Sen Home. Ảnh: Internet |
Dù chưa tìm ra động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực ngoài ngành cốt lõi, HSG vẫn giữ được “quân bài chiến lược” là hệ thống phân phối Hoa Sen Home, nền tảng được kỳ vọng tạo ra đà tăng trưởng trong 5–10 năm tới.
Hoa Sen Home được hình thành từ mạng lưới phân phối truyền thống, vốn là lợi thế cạnh tranh đặc trưng của HSG trong nhiều năm. Từ năm 2022, hệ thống này đã được tổ chức lại theo vùng – miền – ngành hàng, vận hành như một đơn vị độc lập với hơn 400 chi nhánh bán lẻ, trong đó có 120 cửa hàng mang thương hiệu Hoa Sen Home.
Không chỉ bán các sản phẩm chủ lực như tôn, ống thép, ống nhựa, hệ thống này còn mở rộng danh mục sang các mặt hàng hoàn thiện như gạch, sơn, thiết bị vệ sinh, điện dân dụng… nhằm đáp ứng nhu cầu tổng thể của người tiêu dùng cuối.
Trong bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng cạnh tranh khốc liệt và nhiều biến động, mô hình “mua tận gốc – bán tận ngọn” của Hoa Sen Home cho phép doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn giá thành, chất lượng và tiến độ giao hàng. Đồng thời, nó cũng giúp HSG tăng tính linh hoạt trong chính sách bán hàng tại từng địa phương, mở rộng biên lợi nhuận và đa dạng hóa nguồn thu.
Mục tiêu năm 2025, Hoa Sen đặt mục tiêu nâng số cửa hàng Hoa Sen Home lên 139 cửa hàng.