Theo Báo Đấu thầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa hoàn tất quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Liên danh gồm Viện Năng lượng, CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1 - mã TV1) và CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2 - mã TV2) đã trúng thầu với giá trị hợp đồng hơn 8,3 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 120 ngày.
EVN đánh giá, liên danh gồm 3 đơn vị tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng điện tại Việt Nam. Quá trình lựa chọn nhà thầu được triển khai tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và công bằng.
![]() |
Việt Nam tái khởi động dự án điện hạt nhân |
Trước đó, ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đến, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, khóa XV, đồng ý tiếp tục đầu tư vào dự án này.
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó bổ sung các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển điện hạt nhân. Ngày 2/4 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận nhận được văn bản chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ về việc giao các đơn vị chủ đầu tư triển khai 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.
Cụ thể, Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm nhận vai trò chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Dự án này gồm 5 hợp phần: nhà máy điện hạt nhân; hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công nhà máy; khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban Quản lý dự án; trung tâm quan hệ công chúng về nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và chương trình đào tạo nguồn nhân lực.
Đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Thủ tướng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm 4 hợp phần: nhà máy điện hạt nhân; hạ tầng thi công; khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban Quản lý và trung tâm quan hệ công chúng về dự án Ninh Thuận 2. PVN cũng được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo nhân lực, bảo đảm đủ nguồn lực phục vụ quá trình xây dựng và vận hành nhà máy.
Việc tái khởi động dự án không chỉ nhằm giải quyết bài toán an ninh năng lượng trong dài hạn, mà còn mở ra cơ hội phát triển khoa học - công nghệ hạt nhân, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững.