Trong cấu trúc phát triển kinh tế hiện đại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) không chỉ là lực đẩy tăng trưởng GDP mà còn là lớp nền bền vững của thị trường tiêu dùng, lao động và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt tại Việt Nam, khu vực SMEs tại đô thị loại 2 và nông thôn đang nổi lên như một "điểm tựa tiềm năng" nếu có hệ sinh thái tài chính đồng hành đúng cách.
SMEs cần tới 24 tỷ USD vốn vay
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chiếm tỷ trọng áp đảo: Lên tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đáng chú ý, hơn một nửa trong số đó không nằm ở các đô thị trung tâm mà phân bổ tại các thành phố loại 2, loại 3 và khu vực nông thôn. Đây là nhóm doanh nghiệp chủ yếu tham gia vào các chuỗi giá trị nông nghiệp, chế biến thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp, logistics địa phương và thương mại dịch vụ dân sinh.
![]() |
Từ nhu cầu vốn 24 tỷ USD của SMEs, ngân hàng đẩy mạnh định vị tại đô thị loại 2, 3 và nông thôn |
Không chỉ đóng vai trò tạo việc làm, SMEs khu vực này còn giữ vai trò then chốt trong tiêu thụ sản phẩm địa phương, phát triển mô hình kinh tế bản địa như OCOP, là cầu nối quan trọng giữa hộ kinh doanh cá thể và chuỗi cung ứng hiện đại…
Tuy vậy, theo FiinGroup, phần lớn SMEs vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn phát triển. Ước tính, có tới 24 tỷ USD nhu cầu vay vốn của nhóm này chưa được đáp ứng. Nói cách khác, nhiều doanh nghiệp muốn vay để đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất… nhưng không thể vay được vì không đủ điều kiện hoặc chưa có giải pháp tài chính phù hợp.
Nguyên nhân khiến SMEs gặp khó vẫn là những rào cản như: Thiếu tài sản đảm bảo, chưa có báo cáo tài chính đầy đủ, nhiều nơi còn vận hành theo mô hình gia đình, khả năng quản trị chưa chuyên nghiệp. Những hạn chế này khiến tiềm năng phát triển của khu vực doanh nghiệp này vẫn chưa thể bứt phá đúng mức, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm ngoài trung tâm như đô thị loại 2,3 và nông thôn.
Đô thị loại 2, 3 và nông thôn là động lực tăng trưởng quan trọng của ngân hàng
Trong quá khứ, các đô thị loại 2, 3 và khu vực nông thôn thường bị các ngân hàng thương mại đánh giá là khó khai thác. Mạng lưới khách hàng phân tán, chi phí phục vụ cao và lợi nhuận đơn vị thấp khiến phần lớn ngân hàng tập trung ở các trung tâm kinh tế lớn.
Tuy nhiên, với sự gia tăng tích lũy về năng lực và kinh nghiệm phục vụ đa phân khúc, nhiều ngân hàng đã bắt đầu nhìn nhận lại tiềm năng của “vùng trũng cơ hội” này. Cạnh tranh thấp, khách hàng có độ gắn bó cao, cùng nhu cầu tài chính thực chất từ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hộ kinh doanh, người dân bản địa... đang tạo ra dư địa tăng trưởng bền vững cho những tổ chức tài chính có tầm nhìn dài hạn.
Trong số các ngân hàng hiện diện tại khu vực nông thôn, Agribank vẫn giữ vai trò chủ lực nhờ mạng lưới phủ rộng và sứ mệnh phục vụ “tam nông”. Tuy nhiên, khoảng trống về dịch vụ tài chính hiện đại, linh hoạt, đặc biệt là các giải pháp tài chính số phù hợp với doanh nghiệp nhỏ vẫn còn rất lớn. Đây chính là cơ hội cho khối ngân hàng tư nhân có năng lực vận hành thực chất và chiến lược thị trường rõ ràng.
HDBank là một trong những ngân hàng tư nhân tiên phong chọn đô thị loại 2, 3 và nông thôn từ rất sớm. Không chạy theo tốc độ mở rộng nhanh tại các trung tâm, HDBank đầu tư có chiều sâu vào các địa phương ngoài trung tâm – nơi nhu cầu tín dụng tăng đều nhưng chưa được đáp ứng tương xứng.
Mới đây, HDBank đã khai trương chi nhánh Tân An (Long An), nâng tổng số điểm giao dịch toàn hệ thống lên 377. Việc mở rộng mạng lưới đến các đô thị vệ tinh như Long An cho thấy định hướng chiến lược rõ ràng của HDBank: Khai thác tiềm năng những địa bàn có mật độ SME cao, đang trong giai đoạn công nghiệp hóa mạnh mẽ.
Tại các khu vực nông nghiệp trọng điểm và làng nghề, HDBank cung cấp gói tài trợ chuyên biệt cho từng SMEs: Từ nông hộ sản xuất, hợp tác xã, đơn vị thu mua đến nhà phân phối. Đồng thời, ngân hàng cũng phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị xúc tiến thương mại để kết nối đầu ra, giúp khách hàng OCOP và doanh nghiệp vùng ven mở rộng thị trường tiêu thụ.
Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, HDBank còn tài trợ chuỗi logistics địa phương, tài trợ hàng hóa tiêu dùng nhanh (FMCG), hệ thống phân phối thương mại bán lẻ (Petrolimex, PVOIL)...
Ở chiều sâu, HDBank cũng đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái tài chính số : Từ phê duyệt tín dụng tự động, tư vấn tài chính tích hợp, POS, bảo hiểm, đến giải pháp kết nối thương mại điện tử. Đây là mô hình giúp doanh nghiệp không chỉ tiếp cận vốn nhanh, mà còn nâng cấp được năng lực quản trị tài chính, giảm chi phí, tăng tốc kinh doanh…
![]() |
HDBank đã duy trì chuỗi 12 năm tăng trưởng lợi nhuận liên tục (2012–2024), với mức sinh lời ổn định và tỷ lệ CIR thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành |
Nhờ định hướng chiến lược nhất quán, HDBank đã duy trì chuỗi 12 năm tăng trưởng lợi nhuận liên tục (2012–2024), với mức sinh lời ổn định và tỷ lệ CIR thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành. Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của HDBank 13.017 tỷ đồng, tăng 26,8%, vượt kế hoạch. Các chỉ tiêu sinh lời ROA đạt 2,0%, ROE đạt 24,2%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước và trong nhóm dẫn đầu toàn ngành. An toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) đạt tới 12,6%, đạt 150% so với quy định của ngành ngân hàng.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Hảo (giữa) - Phó Tổng giám đốc HDBank đại diện Ngân hàng nhận giải thưởng từ The Asian Banker (Nguồn: HDBank) |
Không dừng lại ở thành tựu về mặt tài chính, HDBank còn tạo dấu ấn quốc tế khi được The Asian Banker vinh danh là “Ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính số tốt nhất cho SME tại Việt Nam – 2024”. Giải thưởng là sự ghi nhận cho khả năng chuyển đổi số đi vào thực chất – không chỉ phục vụ khách hàng lớn, mà tập trung giải quyết các rào cản của hàng triệu doanh nghiệp nhỏ trên khắp cả nước.