Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 6/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93% – mức cao nhất trong giai đoạn 2020–2025, với đà tăng khá đồng đều ở cả ba khu vực kinh tế, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ông Trung nhấn mạnh, mức tăng trưởng này bám sát kịch bản được đề ra và thậm chí cao hơn kỳ vọng ban đầu được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 10. Dù vậy, đây vẫn là mức trung bình nếu so với kịch bản tăng trưởng từ 8% trở lên trong cả năm mà Trung ương đặt ra tại Kết luận 123-KL/TW.

“Thủ tướng đã yêu cầu giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2025 ở mức từ 8% trở lên, xem đó là mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ. Dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi quyết tâm thực hiện mục tiêu này”, Thứ trưởng nói.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, lĩnh vực, phân bổ cụ thể đến các địa phương. Theo dự kiến, GDP quý III sẽ tăng 8,3% và quý IV tăng 8,4%. Mức tăng này cao hơn khoảng 0,27% so với kịch bản được thông qua sau Kết luận 123.

Riêng ngành chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 9,28% trong quý I và dự kiến đạt 10,1% trong quý II. Các lĩnh vực chưa đạt kỳ vọng như khai khoáng, sản xuất điện và khí đốt cũng đang được tập trung tháo gỡ khó khăn, trong khi dư địa tăng trưởng từ giải ngân đầu tư công và du lịch – dịch vụ tiếp tục được đẩy mạnh. Ngay trong quý I, Việt Nam đã đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế.

Việt Nam 'chốt đơn' 40 tỷ USD vốn FDI năm 2025
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung trả lời tại họp báo. Ảnh: VGP

Về thu hút vốn FDI, Thứ trưởng cho biết, quý I/2025, Việt Nam ghi nhận kết quả tích cực. Tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn và mua cổ phần đạt xấp xỉ 11 tỷ USD, tăng khoảng 35% so với cùng kỳ 2024.

Đáng chú ý, vốn thực hiện đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5,1 lần so với cùng kỳ. Riêng vốn đầu tư trực tiếp thực hiện là 4,16 tỷ USD, tăng 7,2%, trong đó lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm gần 62% tổng vốn và tăng 26%.

Dù vậy, theo ông Trung, bối cảnh quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các tổ chức tài chính lớn đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm hoặc thậm chí rơi vào suy thoái, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chính sách thuế mới của Hoa Kỳ không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn tác động mạnh đến tâm lý, môi trường kinh doanh toàn cầu. “Mặc dù vậy, tôi tin tưởng với sự nỗ lực của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế”, ông Trung nói.

Với mục tiêu cả năm, Bộ Tài chính vẫn giữ kế hoạch thu hút 38–40 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn thực hiện đạt 27–28 tỷ USD.

Trả lời câu hỏi về triển khai sàn giao dịch tiền số, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng khung pháp lý để quản lý tài sản mã hóa và tiền mã hóa. Trong tháng 3/2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực này.

Theo ông Trung, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành để triển khai thận trọng, có lộ trình, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, và đặc biệt là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Việc thí điểm sẽ được áp dụng trên cả thị trường giao dịch và phát hành tài sản mã hóa, nhằm tạo ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp.

“Việc triển khai phải tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam và quy định quốc tế liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng lưu ý.

Hiện Bộ Tài chính đã gửi dự thảo nghị quyết Chính phủ đến các bộ, ngành để lấy ý kiến (vào các ngày 27 và 29/3), đồng thời đang tổng hợp, tiếp thu và giải trình trước khi hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt.