Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu tác động từ sự trì hoãn cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), căng thẳng thương mại leo thang và đồng USD tăng giá trở lại, nhiều ngân hàng trung ương tại Đông Nam Á đã bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.

Thái Lan giảm lãi suất lần thứ hai liên tiếp, tăng trưởng đối mặt nguy cơ suy thoái

Ngày 30/4, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) tiếp tục hạ lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất mua lại qua đêm xuống còn 1,75% – mức thấp nhất trong vòng hai năm. Đây là lần thứ hai liên tiếp BOT cắt giảm lãi suất sau lần điều chỉnh hồi tháng 2, nhằm ứng phó với triển vọng tăng trưởng kém và những rủi ro từ các biện pháp thuế quan mới của Mỹ.

Theo BOT, tăng trưởng GDP năm 2025 của Thái Lan có thể chỉ đạt 2%, thấp hơn nhiều so với mức 2,9% từng được kỳ vọng hồi cuối năm ngoái. Trong kịch bản xấu, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, tăng trưởng năm nay có thể rơi xuống chỉ còn 1,3%. Đối với năm 2026, tăng trưởng trong kịch bản cơ sở được dự báo đạt 1,8%, còn trong kịch bản xấu nhất chỉ còn 1%.

Trợ lý Thống đốc BOT, ông Sakkapop Panyanukul, cho biết: “Chính sách tiền tệ của chúng tôi đã bước vào giai đoạn nới lỏng rõ rệt. Dư địa hỗ trợ tăng trưởng tuy còn nhưng không nhiều”. BOT cũng lưu ý rằng các chính sách thương mại từ Mỹ và các biện pháp trả đũa từ các nền kinh tế lớn khác có thể làm biến động mạnh cục diện kinh tế và tài chính toàn cầu.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã bất ngờ giảm lãi suất từ tháng 1/2025, trở thành nền kinh tế duy nhất trong nhóm G20 đi đầu trong chu kỳ nới lỏng, dù lúc bấy giờ đồng nội tệ rupiah đang chịu áp lực giảm giá lớn từ đồng USD tăng giá.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) cũng đã cắt giảm lãi suất chính sách xuống 5,5%. Thống đốc BSP, ông Eli Remolona, cho biết ngân hàng sẽ tiếp cận thận trọng nhằm duy trì sự cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, khi lạm phát tại quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.

Thái Lan, Indonesia, Philippines đua nới lỏng tiền tệ: Việt Nam chọn hướng đi nào?
Ngân hàng Trung ương Thái Lan được chụp tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Reuters)

Việt Nam: Giữ vững ổn định nhưng áp lực gia tăng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong năm 2025 đang phải xử lý một “bài toán ba biến số”: vừa duy trì tăng trưởng, vừa giữ ổn định tỷ giá trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh, vừa không để lạm phát bùng phát trở lại.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ giá USD/VND có thể biến động mạnh trong biên độ ±5%, kết thúc năm ở khoảng 26.200 VND/USD nếu Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao.

Để ứng phó, NHNN đã chủ động giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO), kéo dài kỳ hạn cho vay OMO và hạ lãi suất tín phiếu. Cơ quan này cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, ông Tim Leelahaphan – chuyên gia kinh tế khu vực tại Standard Chartered – cảnh báo nếu áp lực từ Fed gia tăng, NHNN có thể buộc phải đảo chiều chính sách và tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II để giữ ổn định tỷ giá.

Một yếu tố then chốt khiến nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực chuyển sang nới lỏng là kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào giữa năm nay. Tuy nhiên, theo công cụ FEDWatch, xác suất Fed giảm lãi suất vào tháng 6/2024 đã giảm mạnh từ hơn 60% (vào tháng 3) xuống chỉ còn 23% (tháng 4). Kỳ vọng giảm lãi suất vào tháng 9 hiện cũng chỉ còn 45%.

Lý do chính là dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn rất tích cực. Trong tháng 3/2024, Mỹ tạo thêm 303.000 việc làm mới – vượt xa kỳ vọng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng mạnh 3,5% so với cùng kỳ, còn CPI lõi tăng tới 3,8% – cao hơn dự báo thị trường.

Theo bà Anna Rathbun – Giám đốc đầu tư tại CBiz – nền kinh tế Mỹ vẫn “kiên cường một cách đáng ngạc nhiên” sau các đợt tăng lãi suất kéo dài suốt hai năm. Điều này khiến giới đầu tư tin rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt thêm nhiều tháng nữa.

Việc Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất đồng nghĩa với việc lãi suất USD tiếp tục neo cao, khiến chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND ngày càng lớn. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của VND và tạo áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra, các dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng đang bị rút ra.

Theo SSI Research, kể từ đầu năm 2024 đến nay, các quỹ ETF ngoại đã rút ròng hơn 7.760 tỷ đồng khỏi thị trường Việt Nam. Quy mô tổng tài sản của các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam hiện chỉ còn 76.800 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức đỉnh gần 89.000 tỷ đồng hồi tháng 8/2023.

Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận Chiến lược vĩ mô của VNDirect – đánh giá: “Nếu Fed giữ lãi suất cao lâu hơn, tỷ giá trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực trong nửa cuối năm. Đặc biệt, nếu các ngân hàng trung ương lớn khác tiếp tục giảm lãi suất trước Fed, đồng USD sẽ duy trì sức mạnh, ảnh hưởng tới dòng vốn và tâm lý thị trường”.

Thái Lan, Indonesia, Philippines đua nới lỏng tiền tệ: Việt Nam chọn hướng đi nào?
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tỷ giá USD/VND có thể biến động mạnh trong biên độ ±5%, kết thúc năm ở khoảng 26.200 VND/USD nếu Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao.

Điểm tựa nội lực của Việt Nam

Mặc dù chịu nhiều sức ép từ bên ngoài, kinh tế Việt Nam vẫn có những yếu tố tích cực. GDP quý I/2024 tăng 5,66%, vượt xa mức tăng cùng kỳ các năm 2020–2023. Lạm phát cũng được kiểm soát tốt, với CPI tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước.

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, với mức thặng dư đạt 8,08 tỷ USD trong quý I/2024 – gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ tỷ giá, bên cạnh nguồn dự trữ ngoại hối được đánh giá là “đủ mạnh” để can thiệp nếu cần thiết.

TS. Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV – nhận định: “Tăng trưởng 2024–2025 của Việt Nam sẽ khả quan hơn nhờ các động lực trong nước. Lạm phát đang trong tầm kiểm soát, lãi suất có dư địa giảm nhẹ và khả năng huy động vốn, nguồn lực đầu tư cũng thuận lợi hơn”.

Trong bối cảnh các yếu tố ngoại lực gây sức ép ngày càng lớn, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phát huy “tinh thần Việt” – tinh thần độc lập, tự chủ và đổi mới – trong điều hành chính sách và phát triển kinh tế.

TS. Châu Đình Linh – giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM – cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu nếu đẩy mạnh nội địa hóa, tiết kiệm ngoại tệ và tăng tính tự cường cho nền kinh tế. Ông nhận định: “Việc chủ động nguồn cung đầu vào trong nước sẽ giúp chúng ta giảm áp lực lên cán cân thanh toán, đồng thời nâng cao sức đề kháng trước các cú sốc bên ngoài”.

Làn sóng cắt giảm lãi suất đang lan rộng tại Đông Nam Á như một nỗ lực cấp thiết để giữ đà phục hồi hậu Covid-19 và chống chọi với môi trường kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Tuy nhiên, với vị thế đặc biệt – nền kinh tế mở, dòng vốn phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam không thể vội vàng nới lỏng tiền tệ nếu chưa đảm bảo được ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.

Trong bối cảnh này, bài toán khó cho NHNN là tìm được “điểm cân bằng” giữa hỗ trợ tăng trưởng, ổn định tỷ giá và duy trì niềm tin của thị trường. Đồng thời, tăng cường nội lực kinh tế và tính tự chủ quốc gia – như “tinh thần Việt” được nhấn mạnh – sẽ là yếu tố mang tính quyết định trong năm 2025.