Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (gọi tắt là Cơ chế thử nghiệm). Đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa ngành ngân hàng thông qua việc thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech).
Theo Nghị định, ba loại hình Fintech được đưa vào Cơ chế thử nghiệm gồm: chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình mở (Open API) và cho vay ngang hàng (P2P lending). Tuy nhiên, lĩnh vực cho vay ngang hàng không áp dụng đối với tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đối tượng tham gia gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech, cơ quan quản lý nhà nước, khách hàng và các tổ chức, cá nhân liên quan. Mục tiêu là tạo điều kiện cho các giải pháp công nghệ được thử nghiệm trong môi trường kiểm soát, qua đó đánh giá rủi ro, hiệu quả và hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn.
Việc xét duyệt tổ chức tham gia phải đảm bảo minh bạch, công bằng, không đồng nghĩa với việc được cấp phép kinh doanh chính thức. Các tổ chức không tham gia hoặc chưa được chấp thuận thử nghiệm vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật hiện hành.
Thời gian thử nghiệm tối đa là 2 năm, tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận. Có thể gia hạn tùy theo từng trường hợp cụ thể. Việc thử nghiệm chỉ được triển khai trong lãnh thổ Việt Nam, không áp dụng xuyên biên giới.
Tổ chức tham gia chỉ được cung cấp dịch vụ trong phạm vi quy định tại Giấy chứng nhận. Riêng các công ty cho vay ngang hàng bị giới hạn nghiêm ngặt: không được hoạt động ngoài phạm vi thử nghiệm, không cung cấp biện pháp bảo đảm cho khoản vay, không làm trung gian cho các công ty cầm đồ và không hoạt động như khách hàng vay vốn.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.