Tháng 11 của nhóm cổ phiếu chăn nuôi: Dabaco bứt mạnh 44%, có mã tăng 8 phiên liên tiếp

Cùng với sự hồi phục của thị trường và loạt nhóm ngành, các cổ phiếu của doanh nghiệp chăn nuôi đang niêm yết trên sàn chứng khoán cũng ghi nhận sự tích cực trong gần 1 tháng qua.

Cổ phiếu DBC của Tập đoàn Dabaco (HOSE) đã tăng 44% lên gần mốc 25.000 đồng/cp; cổ phiếu của Nông nghiệp BAF tăng hơn 17%; cổ phiếu HNG của HAGL Agrico tăng 13% hay như mã HAG cũng tăng gần 20% thị giá.

Quý 3/2023 đi qua với bức tranh kinh doanh không có nhiều đột biến ở hầu hết doanh nghiệp ngành chăn nuôi (nuôi heo). Ngoại trừ HAGL Agrico vẫn ghi nhận lỗ sau thuế, các doanh nghiệp còn lại đều báo lãi giảm so với cùng kỳ.

Trái chiều kinh doanh, kỳ vọng về giá heo hơi và nhu cầu tăng dịp cuối năm cũng như câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp là nguyên nhân chính giúp cổ phiếu ngành chăn nuôi vẫn tỏa sáng.

Với Tập đoàn Dabaco, những tín hiệu tích cực và quan trọng liên quan đến thông tin phát triển thành công vắc xin Dacovac-ASF2 phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) và trở thành công ty thứ 3 làm được điều này.

Dabaco đang kỳ vọng sẽ sản xuất hàng loạt và thương mại hóa vắc xin Dacovac-ASF2 vào quý 4/2023.

Tháng 11 của nhóm cổ phiếu chăn nuôi: Dabaco bứt mạnh 44%, có mã tăng 8 phiên liên tiếp
Cổ phiếu DBC với câu chuyện vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tăng 84% từ giữa tháng 3 tới nay

Với Tập đoàn HAGL, cái bắt tay chiến lược với ngân hàng LPBank (Mã LPB) tiếp thêm động lực cho quá trình tái cấu trúc và phát triển của doanh nghiệp nhà Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức.

Theo thông tin công bố, đây là sự kiện khởi đầu mối quan hệ chiến lược của hai bên hướng tới xây dựng, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Ông Hồ Nam Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc LPBank đánh giá sự hợp tác này giúp hai bên khai thác tối đa thế mạnh, mang đến nguồn lực tài chính để phát triển giai đoạn tới.

Về phần mình, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: "Đầu tư vào nông nghiệp là trụ cột trong hoạt động kinh doanh. Sự hợp tác giữa LPBank và HAGL sẽ là điểm tựa và là đối tác đồng hành giúp Tập đoàn phát triển nhanh hơn trong lĩnh nông nghiệp xanh, đặc biệt là trồng cây ăn trái, chăn nuôi heo".

Ngay sau "cái bắt tay", cố phiếu HAG có phiên 23/10 bùng nổ và là mức tăng mạnh nhất sau gần 1 năm.

Định hướng chiến lược đã được vạch ra song trước mắt, vấn đề lớn của HAGL đang là áp lực nợ vay cũng như thanh toán các khoản nợ quá hạn. Tại ngày 30/9/2023, công ty chậm thanh toán cả gốc và lãi của mã trái phiếu HAGLBOND16.26 lên tới 4.027 tỷ đồng. Lý do được đưa ra là chưa thu hồi được khoản nợ của HNG và việc thanh lý tài sản không sinh lợi mới thực hiện được một ít, chưa đủ trả lãi và gốc trái phiếu.

Tại thời điểm cuối quý 3/2023, HAGL có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn gần 7.800 tỷ đồng gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu. Vay nợ lớn khiến chi phí lãi vay 9 tháng ghi nhận 678 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ hơn 553 tỷ đồng. Doanh nghiệp nhà bầu Đức hiện chỉ còn quỹ tiền mặt hơn 62 tỷ đồng.

Với Nông nghiệp BAF, diễn biến cổ phiếu BAF 2 tháng trở lại đây được coi như tín hiệu mở đường cho kế hoạch chào bán hơn 68,4 triệu cổ phiếu, giá dự kiến là 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 4 sau khi được chấp thuận.

Dự kiến số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng hơn 165 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động chăn nuôi heo của công ty; 400 tỷ đồng để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh nông sản và 119 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ tại các công con là Công ty TNHH Đầu tư Tân Châu và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tâm Hưng.

Trường hợp góp vốn vào hai công ty con nói trên không khả thi, hoặc không được cơ quan chức năng chấp nhận, BAF đề xuất thay thế phương án này bằng việc đầu tư góp vốn tăng vốn điều lệ vào Công ty TNHH Chăn nuôi công nghệ cao Song Hinh nhằm đầu tư dự án trang trại chăn nuôi heo và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, với HAGL Agrico, hành trình tìm kiếm lợi nhuận của công ty vẫn đang để ngỏ vừa đón nhận thêm quý lỗ thứ 10 liên tiếp dù mức lỗ đã giảm rất nhiều so với cùng kỳ. Nhưng lỗ thì vẫn cứ là lỗ, không thể khác được!

Tương tự HAGL, HNG hiện vẫn đang trong cơ bĩ cực về tài chính. Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của công ty nhà Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương đạt 14.144 tỷ đồng trong đó lượng tiền mặt chỉ vỏn vẹn 16,5 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng từ 9.635 tỷ lên mức 11.245 tỷ đồng (gấp 3,9 lần vốn chủ sở hữu) trong đó vay nợ tài chính hơn 7.800 tỷ.

Vay nợ lớn khiến công ty phải chi tới 244 tỷ đồng chi phí lãi vay sau 9 tháng - tăng 34% so với cùng kỳ.

Trên thị trường, cổ phiếu HNG đang có chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp song cũng chỉ nhích 5% lên mức 3.790 đồng/cp (kết phiên 22/11). Thanh khoản cổ phiếu từ ngưỡng 10 - 40 triệu đơn vị/phiên giai đoạn giữa năm 2021 hiện chỉ còn 2 - 4 triệu cp.

Cần nhấn mạnh, chuỗi 8 phiên tăng "lắt nhắt" của HNG vẫn chưa cho thấy những tín hiệu lạc quan cho tầm nhìn trung, dài hạn.

Tháng 11 của nhóm cổ phiếu chăn nuôi: Dabaco bứt mạnh 44%, có mã tăng 8 phiên liên tiếp

2 năm sau lần "chết hụt" đầu tiên (năm 2020), cổ phiếu HNG của HAGL Agrico lại đối diện với nguy cơ hủy niêm yết. Sau 10 quý lỗ liên tiếp, đột biến kinh doanh nào sẽ xuất hiện trong quý cuối năm?

Những lưu ý khi đầu tư cổ phiếu ngành chăn nuôi

Theo các chuyên gia, cổ phiếu ngành chăn nuôi heo khá nhạy cảm với giá heo hơi trên thị trường hàng hóa, do đó có thể quan sát giá heo hơi để đưa ra những quyết định đầu tư vào các cổ phiếu ngành chăn nuôi heo.

“Khi giá heo hơi có dấu hiệu tăng liên tục trong nhiều ngày sau một giai đoạn dài dao động ở mức thấp có thể là tín hiệu có thấy ngành chăn nuôi heo đang bước vào chu kỳ tăng giá. Đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào các cổ phiếu chăn nuôi heo nhờ triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi heo tăng.

Ngược lại, trong trường hợp giá heo hơi đã tăng nóng trong một thời gian và có xu hướng giảm trong một tháng liên tiếp, đây là dấu hiệu cho thấy ngành chăn nuôi heo có thể bước vào chu kỳ giảm giá. Đây là giai đoạn nhà đầu tư nên thận trọng trong quyết định đầu tư vào cổ phiếu ngành chăn nuôi heo do giá heo hơi giảm sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi heo”, bà Hà Thu Hiền, chuyên gia của Chứng khoán VNDirect khuyến nghị.

Nhìn rộng hơn, chăn nuôi là một ngành có chu kỳ trong đó mỗi loại chăn nuôi có đặc trưng riêng và có thể có những yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến chu kỳ. Thông thường, chu kỳ chăn nuôi thường được biểu hiện thông qua một số dấu hiệu như giá cả, năng suất, yếu tố cung - cầu.

Do đó, trong quá trình đầu tư cổ phiếu ngành chăn nuôi, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên chú ý đến những yếu tố có ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm chi phí sản xuất đầu vào và giá bán đầu ra sản phẩm.