Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 2/2024, sản lượng thép bán ra trong nước đạt 594.811 tấn, giảm 41% so với tháng 1 và giảm 33% so với cùng kỳ năm 2023.

Đầu tháng 3/2024, trước sự cạnh tranh gay gắt về thị phần, nhiều doanh nghiệp đã có các thông báo điều chỉnh giảm giá bán để mở rộng hoặc giữ thị phần. VSA cho rằng, hiện nay, các nhà máy trong nước đối mặt với nhiều khó khăn do giá tồn kho cao, giá bán thấp, chi phí tài chính tăng.

Tại ĐHCĐ thường niên mới đây của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG - HoSE), Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho biết, giá thép năm nay có khả năng thấp hơn đáy của năm 2023. Do vậy, thay vì kế hoạch lãi 700 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2023 - 2024 như dự tính ban đầu, công ty đã đặt kế hoạch lãi 400 - 500 tỷ đồng để phòng ngừa kịch bản xấu.

Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDS): “Năm 2024, thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc (đặc biệt là thép xây dựng). Trong đó, không chỉ cạnh tranh về bán hàng với các nhà sản xuất thép nội địa, thép Trung Quốc còn ảnh hưởng đến giá thép Việt Nam, bởi có sự tương quan cao giữa hai thị trường”.

Các nhận định thận trọng về triển vọng ngành thép được đưa ra trong bối cảnh giá thép thế giới có diễn biến giảm, đồng thời áp lực thép giá rẻ ở Trung Quốc đưa sang Việt Nam gia tăng.

Thống kê từ ngày 21/11/2023 đến 26/3/2024, giá thép thế giới giảm 12,4%, từ 4.019 CNY/tấn xuống 3.521 CNY/tấn, về lại vùng đáy tháng 5/2023; từ ngày 26/12/2023 đến ngày 25/3/2024, giá thép cuộn cán nóng (HRC) thế giới giảm 23,9%, từ 1.137 USD/tấn xuống 865 USD/tấn.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 15,9 triệu tấn, mức kỷ lục kể từ năm 2016 tới nay.

Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc sản xuất khoảng 55% lượng thép toàn cầu. Vì vậy, ngay cả một sự gia tăng nhỏ trong xuất khẩu cũng có thể dẫn đến áp lực về giá trên thị trường thế giới. Lần cuối cùng xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt mức cao như 2 tháng đầu năm nay là trong thời kỳ kinh tế suy thoái 2015 - 2016.

Nguyên nhân chủ yếu khiến giá thép tại Trung Quốc giảm là thị trường bất động sản nước này vẫn chìm trong khó khăn. Nhu cầu thép yếu, buộc các nhà sản xuất thép phải đẩy mạnh xuất khẩu.

Thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn sang, doanh nghiệp Việt gặp khó?
Ảnh minh hoạ: thép HRC

Mới đây, CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG – HoSE) đã nộp đơn đề xuất áp thuế chống bán phá giá với thép HRC Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hoà Phát cũng đã hạ giá 40 USD/tấn với thép HRC, đưa giá thành loại SAE1006/SS400 giao tháng 6/2024 của hãng xuống mức 550 USD/tấn (CFR), chưa bao gồm VAT. Mức giá này tương đương 13,740 đồng/kg, giảm 980 đồng/kg so với tháng trước. Theo một thương gia tại Hà Nội, mức giá thép hiện tại "đã rất thấp".

Bài toán quản trị tồn kho

Tính tới cuối năm 2023, Thép Tiến Lên có giá trị tồn kho 2.413 tỷ đồng, chiếm 58,5% tổng tài sản; Thép Nam Kim tồn kho 5.719 tỷ đồng, chiếm 46,7% tổng tài sản; Tập đoàn Hoa Sen tồn kho 8.025 tỷ đồng, chiếm 42,7% tổng tài sản…

Do đặc thù ngành, các doanh nghiệp ngành thép luôn phải duy trù lượng hàng tồn kho nhất định liên quan tới nguyên vật liệu và thành phẩm thép.

Ngoại trừ CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC – HoSE) và CTCP Thép Pomina (POM – HoSE) có lượng hàng tồn kho thấp do đang trong quá trình tái cơ cấu, bán bớt tài sản và thu hẹp kinh doanh để ổn định dòng tiền, thì nhiều doanh nghiệp thép hiện nay có tỷ trọng tồn kho tương đối lớn.

Với thời gian lưu kho trung bình từ 3 - 5 tháng, tức doanh nghiệp mất chừng đó thời gian để giải phóng hàng tồn kho, cũng như nhập hàng mới với giá thấp hơn. Theo đó, giá thép bắt đầu giảm từ cuối tháng 11/2023 tới nay, đồng nghĩa áp lực tồn kho giá cao có thể kéo dài sang quý II/2024.

Áp lực tồn kho còn đến từ động thái tăng tích trữ tồn kho trong nửa cuối năm 2023 như HSG tăng tồn kho 28,4%, từ 6.248,83 tỷ đồng (chiếm 37,8% tổng tài sản) lên 8.025,35 tỷ đồng (chiếm 42,7% tổng tài sản); NKG tăng 9,4% hàng tồn kho, từ 5.228,86 tỷ đồng (chiếm 42,9% tổng tài sản) lên 5.718,7 tỷ đồng (chiếm 46,7% tổng tài sản).