Một nhóm nhà khoa học từ Anh và Đan Mạch mới đây đã công bố kết quả của một thí nghiệm độc đáo trên tạp chí Science Advances, hé lộ khả năng ít ai ngờ tới của các tác nhân AI: chúng không chỉ học mà còn có thể xây dựng cộng đồng, phát triển ngôn ngữ riêng và thậm chí tạo ra tiếng lóng giống như cách loài người hình thành các nền văn hóa và xã hội.

Trọng tâm của nghiên cứu là một trò chơi mang tên "name game", tạm dịch là "trò chơi đặt tên". Trong đó, các tác nhân AI được ghép ngẫu nhiên thành từng cặp, mỗi bên sẽ chọn một tên gọi từ một tập hợp ký hiệu. Nếu hai bên chọn giống nhau thì nhận điểm, nếu không thì bị trừ điểm. Trò chơi tưởng chừng đơn giản này lại mở ra một cánh cửa lớn về khả năng tự học và xây dựng quy ước giao tiếp của AI.

Thí nghiệm mới hé lộ, AI đang tự tạo ‘xã hội ngầm’ với ngôn ngữ riêng
AI không chỉ học mà còn có thể xây dựng cộng đồng, phát triển ngôn ngữ riêng và thậm chí tạo ra tiếng lóng giống như loài người. Ảnh minh họa

Sau nhiều vòng lặp, AI không chỉ đơn thuần ghi nhớ các lựa chọn trước mà còn bắt đầu học hỏi từ những kết quả thành công, từ đó xây dựng nên một hệ thống ngôn ngữ chung để tối ưu hóa khả năng chiến thắng. Các cụm ký hiệu ban đầu vốn rời rạc dần trở thành những "tiếng lóng" nội bộ mà chỉ nhóm AI đó mới hiểu, không khác gì cách các nhóm xã hội loài người hình thành ngôn ngữ riêng biệt để tăng sự gắn kết và nhận diện lẫn nhau.

Một phát hiện đáng chú ý khác là AI không chỉ học ngôn ngữ theo chiều hướng đồng thuận mà còn có khả năng phát sinh thiên kiến, tức những xu hướng hành vi có tính tập thể mà không cần con người lập trình sẵn. Đây là dấu hiệu cho thấy AI có thể phát triển những dạng “văn hóa nhóm” riêng khi tương tác đủ lâu trong cộng đồng.

Đáng kinh ngạc hơn, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng chỉ cần một nhóm nhỏ tác nhân mới – chiếm khoảng 2% tổng số – được đưa vào hệ thống với mục đích thay đổi quy ước đặt tên, họ có thể khiến toàn bộ mạng lưới AI chuyển sang sử dụng một ngôn ngữ mới. Điều này cho thấy khả năng thích nghi cực cao nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị thao túng khi một nhóm nhỏ có thể làm lệch hướng toàn bộ cộng đồng.

Từ kết quả thí nghiệm, nhiều chuyên gia bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về việc quản lý hành vi của các hệ thống AI trong tương lai. Nếu các tác nhân AI có thể hình thành và lan truyền quy ước, thậm chí cả định kiến, thì việc kiểm soát thông tin trong môi trường đa tác nhân sẽ trở nên cực kỳ quan trọng. Điều này đặt ra thách thức cho những hệ thống AI được triển khai trong môi trường mở như mạng xã hội, giao thông thông minh hay các hệ thống tài chính.

Một điểm đáng suy ngẫm là khả năng "học xã hội" này của AI không bắt nguồn từ mô hình ngôn ngữ khổng lồ hay các thuật toán phức tạp mà chỉ đơn thuần từ sự tương tác lặp đi lặp lại giữa các đơn vị độc lập. Điều đó cho thấy tiềm năng mở rộng của hiện tượng này là rất lớn nếu không có cơ chế giới hạn hoặc kiểm soát chặt chẽ.