Trong buổi livetream do Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức mới đây, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS đánh giá, chỉ số VN-Index đang thu hẹp dần dao động nhất là khi dải Bollinger Bands đang co lại cho thấy vùng tích lũy đang hình thành một cách rõ nét.

Sau thời gian tích lũy nén chặt trước đà bán ròng kịch liệt của khối ngoại, thị trường khả năng sẽ có một nhịp bật mạnh để lấy lại MA200 khi nhà đầu tư ngoại giảm bán ròng.

"Theo quan sát, thị trường thường đón nhận những đợt "sóng ăn Tết" trong tháng 1 hoặc tháng 2 Dương lịch. Trong trường hợp khối ngoại đảo chiều và dòng tiền lớn quay trở lại, tôi cho rằng "hiệu ứng tháng Giêng" sẽ sớm xuất hiện. Thông thường, sau mỗi vùng đáy kỹ thuật của chỉ số, thanh khoản có thể sẽ cải thiện", chuyên gia VPBankS nhận định.

Dự báo về xu hướng thị trường, trong kịch bản thận trọng, khi vùng hỗ trợ 1.076-1.082 điểm bị phá vỡ, khả năng VN-Index sẽ kiểm nghiệm lại nền giá tại vùng đáy kỹ thuật xác lập trong thời điểm đầu tháng 11 xoay quanh 1.028-1.050 điểm.

Vị chuyên gia VPBankS khuyến nghị nhà đầu tư nên canh mua trong những nhịp điều chỉnh, trading tại hai vùng hỗ trợ gần nhất là 1.082-1.092, ưu tiên có dòng tiền tham gia tích cực đã điều chỉnh về nền giá hợp lý như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí,…

Thị trường chứng khoán biến động ra sao trong các tháng 1?
Trong phiên 29/12/2023 khi trụ VCB bị "đạp", VN-Index bất ngờ hụt EMA200

Thống kê biến động của VN-Index trong các tháng 1 kể từ năm 2001 tới nay, chỉ số đại diện thị trường đã có 13 năm tăng điểm và 10 năm giảm điểm. VN-Index có 3 năm giảm liên tục từ 2020 đến 2022 trước khi đảo chiều tăng 10,33% trong tháng 1/2023 (tương ứng tăng gần 105 điểm).

Mức tăng mạnh nhất được ghi nhận trong năm 2007 (+38,52%) và năm 2004 (+28,38%). Ngược lại, ngoại trừ năm 2008 giảm 8,94% và năm 2002 giảm 11,83%, chỉ số sàn HOSE chủ yếu giảm dưới biên độ 6%.