Trong nửa đầu năm 2025, nền tài chính Việt Nam chứng kiến những chuyển động trái chiều đầy áp lực. Một mặt, kinh tế vĩ mô giữ được trạng thái ổn định với GDP quý I tăng 6,93%, cao nhất trong các quý I giai đoạn 2020–2025, trong khi CPI bình quân 4 tháng chỉ tăng 3,2% – thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4,5%.

Mặt khác, tỷ giá USD/VND có thời điểm vượt ngưỡng 26.200 đồng – đỉnh lịch sử tại các ngân hàng thương mại, trong khi tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đạt 24.960 đồng/USD. Đồng thời, dòng vốn ngoại bán ròng hơn 1,6 tỷ USD trên thị trường chứng khoán chỉ trong 4 tháng đầu năm.

Tất cả đang tạo nên một “trường đấu hai chiều” đầy rủi ro và cơ hội, buộc nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng từng chiến lược phân bổ tài sản giữa bối cảnh vĩ mô nhiều biến động.

Thị trường chứng khoán giữa sóng tỷ giá và kỳ vọng lãi suất giảm: Cơ hội hay rủi ro?
Nhà đầu tư quan sát diễn biến thị trường tại sàn giao dịch chứng khoán. Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Tỷ giá leo thang: Doanh nghiệp xuất khẩu cũng "khó thở"

Tỷ giá tăng mạnh trong giai đoạn tháng 4–5/2025 bắt nguồn từ nhiều lực đẩy cùng lúc: nhập khẩu tăng tốc, dòng FDI và kiều hối suy yếu, cộng thêm chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ tạo hiệu ứng domino tâm lý. Theo Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu của Việt Nam tính đến giữa tháng 5 đạt 155,76 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2025. Bên cạnh đó, số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng khoảng 42.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1,6 tỷ USD từ đầu năm, góp phần làm cầu ngoại tệ tăng vọt và đẩy tỷ giá lên đỉnh.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng phổ biến rằng tỷ giá tăng sẽ là “liều doping” cho doanh nghiệp xuất khẩu, thực tế đang cho thấy một bức tranh nhiều nghịch lý. Bà Trần Thị Khuyên – đại diện CTCP Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM) cho biết: “Giá USD tăng kéo theo chi phí nhập khẩu hạt nhựa đầu vào cũng tăng. Khi giá thành tăng mà đơn hàng giảm, chúng tôi buộc phải đẩy mạnh tiêu thụ trong nước để bảo vệ chuỗi sản xuất". Với sản lượng nhập khẩu khoảng 125 tấn/tháng, mỗi 1% tăng tỷ giá làm chi phí của doanh nghiệp đội thêm khoảng 400–500 triệu đồng/tháng.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, các lĩnh vực có tỷ lệ vay nợ ngoại tệ cao như bất động sản và xây dựng cũng chịu áp lực chi phí tăng vọt. Tại Hội nghị doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long ngày 14/5/2025, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI – cho biết, 68,8% doanh nghiệp trong khu vực lo ngại chi phí sản xuất tăng do tỷ giá và giá nguyên vật liệu leo thang. Một khoản vay 10 triệu USD với mức mất giá VND 2,1% tương đương khoản lỗ quy đổi lên đến 5 tỷ đồng – ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận quý II/2025.

Lãi suất hạ nhiệt: “Cú huých chính sách” chưa đủ lực

Trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng, mặt bằng lãi suất trong nước đang đi theo chiều hướng tích cực. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến đầu tháng 4/2025, lãi suất cho vay bình quân giảm còn 6,34%/năm, thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm ngành ưu tiên không vượt quá 4%/năm – mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm chỉ quanh 2,35%/năm vào cuối tháng 4 trước khi trở về quanh mức 4% trong tháng 5, phản ánh thanh khoản hệ thống đang rất dồi dào.

Tuy vậy, đà giảm lãi suất vẫn chưa đủ để dẫn sóng cho thị trường chứng khoán. VN-Index trong tháng 5 dao động trong khoảng 1.200–1.300 điểm. Lý do là chính sách tiền tệ trong nước khó có thể “trung hòa” được áp lực từ chính sách lãi suất Mỹ. Theo ông Ngô Đăng Khoa – Giám đốc Khối ngoại hối và Thị trường vốn của HSBC Việt Nam – “Nếu dữ liệu việc làm Mỹ không cho thấy sự suy yếu rõ ràng, Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất, khiến áp lực lên tỷ giá USD/VND duy trì ở mức cao".

Chênh lệch lãi suất USD–VND tiếp tục duy trì ở trong mức hẹp, trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn hạn chế. Điều này khiến khả năng can thiệp dài hơi bằng bán USD bị giới hạn, khiến các nhà đầu tư tổ chức quốc tế thận trọng hơn trong việc quay trở lại thị trường Việt Nam, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, dù định giá đã ở mức hấp dẫn.

Dòng tiền phân hóa: Đãi cát tìm vàng

Giữa biến động tỷ giá và lãi suất, thị trường chứng khoán ghi nhận sự phân hóa rõ rệt về dòng tiền. Những cổ phiếu có doanh thu bằng USD, chi phí bằng VND, không sử dụng đòn bẩy ngoại tệ và ít phụ thuộc nhập khẩu như thủy sản, dệt may, điện và bán lẻ nội địa đang nổi lên như những điểm sáng hiếm hoi. Ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng Giám đốc May Hồ Gươm – cho biết: “Khi giá USD tăng, doanh thu quy đổi tăng lên rõ rệt. Mặc dù vẫn phải trừ phần chi phí nhập khẩu, nhưng phần chênh lệch vẫn tạo ra lợi nhuận tích cực cho doanh nghiệp".

Ngược lại, nhóm bất động sản và ngân hàng đang bị kìm hãm từ hai phía: chi phí vốn tăng do tỷ giá, trong khi cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh. Với biên lãi ròng bị thu hẹp và nghĩa vụ trả nợ USD gia tăng, nhiều ngân hàng quốc doanh đang chứng kiến sự suy giảm trong biên lợi nhuận, buộc phải điều chỉnh chiến lược tín dụng trong quý II/2025. Đối với thị trường bất động sản, khả năng huy động vốn tiếp tục chậm lại do thanh khoản thị trường yếu và tỷ giá bất ổn.

Theo HSBC, từ đầu năm đến hết tháng 4, đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 2,1% so với USD trên thị trường liên ngân hàng. Dự báo đến cuối năm 2025, nếu căng thẳng thương mại không hạ nhiệt, tỷ giá USD/VND có thể chạm 26.500 đồng. Kịch bản này, nếu xảy ra, sẽ kéo theo chuỗi tác động domino đến định giá tài sản tài chính và triển vọng lợi nhuận trong các quý cuối năm.

Dẫu vậy, những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn vẫn có cơ hội nếu biết chọn lọc. Cổ phiếu có nền tảng nội tại vững chắc, doanh thu hướng nội, biên lợi nhuận ổn định, ít phụ thuộc vào biến động tỷ giá và có khả năng duy trì dòng tiền dương sẽ là mục tiêu săn đón trong giai đoạn tái cơ cấu danh mục. Chiến lược đầu tư theo xu hướng ngắn hạn, chạy theo thông tin nhiễu loạn có thể khiến nhà đầu tư trả giá bằng chính khoản vốn cốt lõi.

Khi “cửa sáng” của chính sách tiền tệ toàn cầu bắt đầu hé mở, tín hiệu nới lỏng từ Fed trở nên rõ ràng và tỷ giá được kiểm soát trở lại, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ quay lại đà phục hồi. Những ai đủ bản lĩnh để “gồng lãi” thay vì “gồng lỗ”, kiên trì với lựa chọn giá trị, sẽ là những người chiến thắng trong trận địa đầu tư đầy biến động của năm 2025.