Nhiều lãnh đạo, cán bộ, công chức cấp huyện băn khoăn sau khi về cấp xã làm việc sau sáp nhập có được giữ nguyên phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng không?

Liên quan đến việc này, theo Công văn số 03/CV-BCĐ ban hành năm 2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính đã đưa ra định hướng cụ thể về việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sáp nhập.

Căn cứ vào điều kiện thực tế cũng như năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định phương án sắp xếp nhân sự phù hợp theo thẩm quyền phân cấp quản lý.

Đáng chú ý, những cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã khi được phân công giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo như hiện tại trong thời gian 6 tháng kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm. Sau thời gian này, việc hưởng phụ cấp sẽ được điều chỉnh theo quy định mới của Chính phủ.

Quy định mới nhất về chế độ đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức sau khi về xã công tác
Như vậy, sẽ giữ nguyên phụ cấp chức vụ lãnh đạo với công chức huyện về xã làm việc sau sáp nhập cho đến khi có quy định mới. Ảnh minh hoạ

Đối với trường hợp công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý tại xã mới, tạm thời chưa áp dụng hệ số phụ cấp chức vụ. Mức phụ cấp cụ thể sẽ được áp dụng sau khi Chính phủ ban hành quy định chính thức về hệ số phụ cấp lãnh đạo, quản lý tại đơn vị hành chính cấp xã mới.

Như vậy, việc sắp xếp nhân sự sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện một cách linh hoạt, có lộ trình rõ ràng, đồng thời bảo đảm quyền lợi bước đầu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian chờ chính sách mới từ Trung ương.

Sẽ có 5 bảng lương, 9 phụ cấp mới theo vị trí việc làm

Theo Báo Tiền Phong, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương, hệ thống tiền lương hiện hành sẽ được thay thế bằng 5 bảng lương mới áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Việc xây dựng hệ thống bảng lương mới được thực hiện theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, đồng thời đảm bảo không thấp hơn mức lương hiện hưởng khi chuyển đổi từ bảng lương cũ sang.

Quy định mới nhất về chế độ đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức sau khi về xã công tác

Theo Bộ Nội vụ, việc đề xuất thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, 5 bảng lương mới gồm:

- Bảng lương 1: Áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (qua bầu cử hoặc bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

- Bảng lương 2: Áp dụng cho công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ không giữ chức vụ lãnh đạo, được xây dựng theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức.

- Bảng lương 3: Dành cho sĩ quan quân đội, sĩ quan và hạ sĩ quan nghiệp vụ trong lực lượng công an, xây dựng theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm.

- Bảng lương 4: Áp dụng với quân nhân chuyên nghiệp và lực lượng chuyên môn kỹ thuật trong công an.

- Bảng lương 5: Dành cho công nhân quốc phòng và công nhân công an, đảm bảo tương quan tiền lương giữa lực lượng vũ trang và công chức hành chính như hiện nay.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 27 cũng quy định 9 loại phụ cấp đi kèm theo chế độ tiền lương mới, gồm: phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, khu vực, trách nhiệm công việc, lưu động, ưu đãi theo nghề, công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, phụ cấp theo phân loại hành chính và phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập, và phụ cấp riêng cho lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Nội vụ, việc áp dụng hệ thống bảng lương mới sẽ được trình Trung ương xem xét sau năm 2026, khi danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị được hoàn thiện và triển khai đồng bộ.

Liên quan đến việc điều chỉnh lương cơ sở trong năm 2025, Bộ Nội vụ cho biết, mặc dù đây là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2021–2025, nhưng do tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều biến động, nguồn thu ngân sách nhà nước dự báo sẽ gặp khó khăn.

“Do đó, năm 2025 chưa có cơ sở xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và các chính sách khác”, Bộ Nội vụ thông tin.