Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia (DAFF) vừa công bố “Báo cáo cuối cùng về yêu cầu an toàn sinh học đối với quả bưởi tươi nhập khẩu từ Việt Nam”. Báo cáo này khép lại một chặng đường đàm phán kéo dài nhiều năm, đồng thời mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch bưởi sang Australia trong thời gian tới.
Trong báo cáo, DAFF nêu rõ quá trình đánh giá rủi ro đã được tiến hành trên toàn bộ chuỗi sản xuất bưởi Việt Nam – từ canh tác, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch đến vận chuyển. Kết quả cho thấy, có 19 sinh vật gây hại cần kiểm soát, trong đó có các đối tượng từng đe dọa ngành cây có múi toàn cầu như rầy chổng cánh châu Á (Diaphorina citri), ruồi đục quả phương Đông (Bactrocera dorsalis), rệp sáp và nhện đỏ.
![]() |
Bưởi Việt Nam đã có mặt tại 13 thị trường quốc tế. Ảnh minh hoạ |
Để đảm bảo an toàn sinh học cho hệ sinh thái bản địa, Australia đưa ra loạt yêu cầu bắt buộc: vùng trồng hoặc cơ sở sản xuất phải được công nhận không có dịch hại (PFA), bưởi phải được xử lý bằng chiếu xạ hoặc Methyl bromide và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuất khẩu. Đặc biệt, bưởi nhập vào bang Tây Australia sẽ phải tuân thủ thêm các quy định riêng về kiểm dịch đối với nhện đỏ và rệp sáp – hai sinh vật kiểm dịch tại bang này.
Bên cạnh các yêu cầu kỹ thuật, DAFF cho biết báo cáo được hoàn thiện sau khi tham vấn ý kiến từ bảy tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan và phản ánh đúng thực tế sản xuất tại Việt Nam.
Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, ông Ngô Xuân Nam, đánh giá cao việc Australia công nhận năng lực kiểm soát dịch hại của Việt Nam. Ông cho rằng đây là minh chứng cho sự trưởng thành của ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật nước ta: “Chúng tôi đã không ngừng nâng cao chất lượng và minh bạch hóa quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Kết quả này cho thấy ngành hàng bưởi Việt Nam đang phát triển theo hướng bền vững”.
Hiện tại, bưởi Việt Nam đã có mặt tại 13 thị trường quốc tế, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là Mỹ, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Đức, Hà Lan, UAE, Hồng Kông và Na Uy. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn – khoảng 5.000 tấn/năm – do gặp nhiều rào cản về kỹ thuật và công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
Theo kế hoạch, sau khi báo cáo được công bố, phía Australia sẽ tiến hành các bước xác minh cuối cùng để đảm bảo Việt Nam có thể triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm dịch. Các điều kiện nhập khẩu chính thức sẽ được cập nhật trên hệ thống BICON – cổng thông tin nhập khẩu thực vật của Australia.
Việt Nam hiện có khoảng 100.000 ha bưởi với sản lượng gần 1 triệu tấn/năm, tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc. Các giống bưởi như Năm Roi, Da Xanh, Diễn, Tân Lạc... đã xuất hiện ở nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada và Nhật Bản.
Các chuyên gia khuyến nghị, để tận dụng cơ hội từ thị trường Australia, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hoàn thiện quy trình sản xuất, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết khép kín, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại nhằm gia tăng kim ngạch và cải thiện thu nhập cho nông dân.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, quý I/2025 ghi nhận sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu rau quả do thay đổi chính sách nhập khẩu sầu riêng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, bưởi vẫn nổi bật với kim ngạch hơn 17,5 triệu USD – tăng 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp mặt hàng này lọt vào top 10 loại quả và hạt có giá trị xuất khẩu cao nhất, chiếm 1,5% thị phần toàn ngành.