Chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 11/2024 đến tháng 2/2025), Quốc hội đã ban hành 3 Nghị quyết để triển khai các dự án đường sắt gồm: Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mới có quy mô, tổng mức đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
Dự án đường sắt tốc độ cao được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 172/2024/QH15, có tổng chiều dài khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM); tốc độ thiết kế 350km/h với tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án hơn 1,71 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Dự kiến dự án sẽ được triển khai từ năm 2025 – 2035.
![]() |
Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công dự án đường sắt tốc độ cao vào tháng 12/2026 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công dự án vào tháng 12/2026. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp có ý kiến về áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định về thiết kế tổng thể trong đầu tháng 4/2025. Đồng thời các bộ, ngành kịp thời có ý kiến sau khi Bộ Xây dựng xin ý kiến về dự thảo Nghị định.
Ngoài ra, với dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Thủ tướng đồng ý khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và khởi công các khu tái định cư của Dự án trong năm 2025.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán Hiệp định. Đồng thời, thúc đẩy dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Về các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rà soát tình hình triển khai các Dự án đường sắt đô thị tại địa phương.
Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương.