CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed, doanh nghiệp có tham vọng trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực đường sắt cao tốc tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đang liên tục được củng cố tiềm lực tài chính và nhân sự để chuẩn bị cho giai đoạn khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
![]() |
VinSpeed được thành lập bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng từ tháng 5/2025 |
Tăng cường tiềm lực nội tại cho VinSpeed
Theo báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT VinSpeed và Tập đoàn Vingroup (VIC) – đã chuyển quyền sở hữu gần 87,6 triệu cổ phiếu VIC cho VinSpeed vào ngày 27/6, tương đương 2,26% vốn điều lệ của Vingroup.
Trước đó, ngày 10/6, ông Vượng cũng từng góp vốn vào VinSpeed bằng hơn 48 triệu cổ phiếu VIC. Qua hai đợt chuyển nhượng, VinSpeed từ chỗ không nắm giữ cổ phần nào đã trở thành cổ đông sở hữu khoảng 3,5% vốn tại VIC.
Tính theo giá đóng cửa cổ phiếu VIC mức 108.000 đồng/cp ngày 11/7, tổng giá trị cổ phiếu ông Vượng góp vốn ước đạt hơn 14.600 tỷ đồng, tương đương gấp 2,4 lần vốn điều lệ của VinSpeed – hiện ở mức 6.000 tỷ đồng.
VinSpeed được thành lập đầu tháng 5/2025 với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Nhật Vượng góp 51%, Vingroup nắm 10%, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam nắm 35%, còn lại là bà Phạm Thúy Hằng và hai con trai của ông Vượng, mỗi người góp một phần nhỏ.
Ban đầu, ông Vượng kiêm nhiệm cả hai vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc VinSpeed, tuy nhiên, ngày 17/6, vị trí CEO đã được chuyển giao cho ông Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1984).
VinSpeed là một trong các nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký tham gia dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường có chiều dài 1.541km (vốn 67 tỷ USD), đang được Chính phủ đẩy nhanh giai đoạn chuẩn bị. Tại cuộc họp ngày 9/7 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, dự kiến khởi công giải phóng mặt bằng vào ngày 19/8/2025, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Để thực hiện dự án này, VinSpeed đề xuất mô hình vay vốn đặc biệt: Vay Nhà nước 80% tổng mức đầu tư (1,25 triệu tỷ đồng, tương đương 49,1 tỷ USD) với lãi suất 0% trong 35 năm. Phần còn lại, tương đương 20% (khoảng 312.330 tỷ đồng – 12,27 tỷ USD) sẽ do doanh nghiệp tự huy động.
Tổng vốn đầu tư mà VinSpeed đề xuất là khoảng 61 tỷ USD, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Dự án cống hiến và không "ôm đất"
Nói với VnExpress, bà Đào Thụy Vân – Phó Tổng Giám đốc VinSpeed – khẳng định: "Vingroup xác định đây là 'dự án cống hiến trong vài thập kỷ'". Theo bà Vân, việc Nhà nước chỉ cho vay mà không phải đầu tư toàn bộ vốn là một mô hình hợp lý: "VinSpeed sẽ gánh cho Nhà nước 20% tổng vốn phải đầu tư và chịu lãi hoàn toàn cho số đó".
![]() |
Hình minh họa |
Bà cũng nhấn mạnh: "Nếu giao cho VinSpeed, Ngân sách Nhà nước sẽ không phải chịu những áp lực tài chính này".
Theo tính toán của chuyên gia, thời gian hoàn vốn có thể lên tới 70 năm, trong khi hầu hết (98%) các tuyến đường sắt cao tốc toàn cầu đều lỗ, chỉ 2% có lãi, chưa kể phải tái đầu tư hàng chục tỷ USD sau 30 năm vận hành.
Bác bỏ hoài nghi về động cơ gom đất, bà Vân nói: "Nếu chỉ để gom đất, VinSpeed sẽ không chọn dấn thân vào dự án chắc chắn lỗ, thậm chí lỗ nhiều thập kỷ". Bởi các ga đường sắt chủ yếu nằm ở vùng ven, xa trung tâm, là đất ruộng ít giá trị – không phải “đất vàng”.
Dù vậy, Nghị quyết 172 của Chính phủ cũng đã cho phép khai thác giá trị gia tăng từ đất vùng phụ cận các ga nhằm cân đối vốn đầu tư.
Theo ghi nhận từ một số trang thông tin việc làm và diễn đàn tuyển dụng, VinSpeed đã bắt đầu quá trình tuyển dụng nhân sự trên diện rộng, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn triển khai dự án.