Thông thường, khi nhắc đến sự thành công của ông Phạm Nhật Vượng hay Đặng Lê Nguyên Vũ, người trẻ chỉ xuýt xoa về những thành tựu hay tài sản mà họ gây dựng được nhưng ít ai biết hai vị tỷ phú này có chung một sở thích "khó bỏ" vô cùng giản dị, đó là đọc sách.

Ông chủ Vingroup thuộc làu sách Sử

"Ngày còn nhỏ tôi thích Sử, đọc sách Sử. Bố tôi rất tự hào về con trai vì Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê mình thuộc làu làu. Nhưng khi lớn lên thì chuyển dần. Hồi đại học thích đọc tiểu thuyết, còn bây giờ là quản trị và sách công nghệ. Sách công nghệ thì không phải là chi tiết về công nghệ, mà là xu hướng, những tổng kết về công nghệ", ông tiết lộ trên trong một buổi phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ vào đầu năm 2019.

Là một người bận rộn nên ông Vượng có cách đọc sách rất khác. Hôm nào về đến nhà không quá mệt mỏi thì đọc, nếu không thì ngồi xem tivi cùng con một lúc rồi đi ngủ. Thay vì đọc toàn bộ, vị tỷ phú xem mục lục, chọn mục hay để đọc. Chỗ nào không hiểu hoặc thấy quan trọng, ông có thể đọc đi đọc lại vài ba lần.

Ông cũng cho biết cuốn sách tâm đắc nhất của mình là "Từ tốt đến vĩ đại" (Good to Great). Đây là tác phẩm của Jim Collins - một chuyên gia tư vấn quản lý tài năng, được Forbes bình chọn vào danh sách 20 cuốn sách có ảnh hưởng nhất thế giới trong 20 năm.

Tiết lộ sở thích khó bỏ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Đặng Lê Nguyên Vũ: Rất giản dị nhưng nhiều người không có
Ông Phạm Nhật Vượng

“ Vua cà phê” đi đôi giày 75.000 đồng nhưng sẵn sàng chi 5 tỷ USD để đầu tư vào sách

Cũng như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư vào sách. Chính vì thế chỉ đi đôi giày vải 75.000 đồng được sản xuất tại Việt Nam có thiết kế đơn giản, thêu hình bông lúa nhưng ông lại lên kế hoạch chi tới 5 tỷ USD để tặng sách thuộc “Hành trình từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh Niên Việt" do chính Trung Nguyên Legend khởi động từ năm 2018.

Theo quan niệm của ông trước khi biết làm giàu về vật chất và thể chất, bạn cần làm giàu về tri thức. "Mỗi con người một ngày có 24h. Vậy thì tâm trí mình nên dành ra chỗ nào để tạo giá trị cao, còn nếu mình dành sức lực ở phân khúc thấp thì vĩnh viễn dân tộc mình nằm ở đó, số phận mình nằm ở đó", ông khẳng định trong một chia sẻ với truyền thông hồi tháng 3/2019.

Tiết lộ sở thích khó bỏ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Đặng Lê Nguyên Vũ: Rất giản dị nhưng nhiều người không có
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Đọc sách có thể giúp bạn trở thành một trong những người giàu nhất thế giới

Tất nhiên thói quen giản dị này không chỉ ông Phạm Nhật Vượng và Đặng Lê Nguyên Vũ áp dụng để xây dựng sự nghiệp thành công. Theo nghiên cứu của triệu phú tự thân Thomas Corley: 85% người giàu đọc từ 2 đến 3 cuốn sách về giáo dục và lập mục tiêu hàng tháng; 63% người giàu nghe các cuốn sách phát thanh để học tập trong lúc lái xe đến nơi làm việc; 88% người giàu dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc sách nâng cao hiểu biết và tích lũy kiến thức.

Corley cho rằng người giàu xứng đáng được giàu có bởi họ luôn ưu tiên vào những thứ mang lại thành công. Và một phần của những thứ mang lại thành công chính là đọc sách để nâng cao kiến thức.

Nếu bạn chỉ đọc sách vì mục đích giải trí, bạn sẽ là một trong 99% người bình thường của thế giới. Ngược lại, nếu bạn đọc sách để học tập và tích lũy kiến thức, bạn đang trên đường gia nhập vào danh sách 1% những người giàu nhất thế giới.

Trong những ngày đầu tiên khởi nghiệp, nhà đầu tư Warren Buffett đọc 600 – 1.000 trang sách mỗi ngày. Với ông, đọc tối thiểu 500 trang sách mỗi ngày là cách tiếp nhận kiến thức. Nó cứ tăng dần lên như một thứ lãi suất kép.

Người giàu nhất thế giới, tỷ phú Elon Musk cũng khẳng định sức ảnh hưởng của những cuốn sách đối với bản thân. Không chỉ cung cấp kiến thức, sách còn cho Elon Musk cách ứng xử, cách nhìn nhận thế giới để có được vị trí như ngày hôm nay.

CEO của Meta, Mark Zuckerberg có thể đọc xong một cuốn sách trong vòng 2 tuần. "Tôi đọc sách chủ yếu để hiểu những nền văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử và kỹ thuật khác nhau của các nước. Sách giúp chúng ta khám phá một chủ đề và chìm đắm trong chúng một cách sâu sắc hơn các loại hình truyền thông khác ngày nay. Tôi mong muốn có thể cai nghiện truyền thông bằng cách đọc sách".