Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đây sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu trước năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố gồm Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; hai thị xã gồm Quế Võ, Thuận Thành; hai huyện gồm Lương Tài, Gia Bình.

Đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đạt các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, lúc này toàn tỉnh có 12 đô thị: Một đô thị loại I, một đô thị loại II, 4 đô thị loại III và 6 đô thị loại V.

Trong đó, đô thị loại I là Đô thị Bắc Ninh, dự kiến trở thành quận. Đô thị loại II là Đô thị Từ Sơn, đô thị này cũng dự kiến trở thành quận.

Như vậy, TP Bắc Ninh và Từ Sơn hiện tại sẽ được định hướng trở thành quận khi toàn tỉnh Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc trung ương.

Trong khi đó, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong sẽ được phát triển trở thành hai thành phố trực thuộc tỉnh. Hiện tại, hai địa phương này đều là đô thị loại V, dự kiến đến năm 2030 cùng lên đô thị loại III.

Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam có hàng loạt biến động trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030
Một góc tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước với 822,7km2. Tỉnh này từng "thay da đổi thịt", với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao do là cứ điểm của nhiều tập đoàn công nghiệp, điện tử lớn trên thế giới.

Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (theo giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 220.223 tỷ đồng, đứng thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 145,1 triệu đồng/người, đứng thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 7 cả nước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 73,6 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 40,3 tỷ USD, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 2 cả nước; nhập khẩu đạt 33,3 tỷ USD, đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước.

Thu hút vốn FDI đạt 1.676 triệu USD, đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 7 cả nước. Năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng cao. Trong năm, số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh đạt 3.461 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 34.333 tỷ đồng, tăng 28,4% so cùng kỳ về số doanh nghiệp và tăng 51,9% về tổng vốn đăng ký bổ sung. Tổng vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp cũng tăng 18,3%.