Ngày 21/3, Công an TP Hà Nội cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đang tạm giữ 4 nghi phạm để điều tra về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Các đối tượng cùng thường trú tại Hà Nội và độ tuổi từ 23-39.

Theo cơ quan chức năng, từ đầu năm 2022, các đối tượng bắt đầu hoạt động "kinh doanh tài chính" dưới hình thức bốc bát họ, vay lãi suất cao trên địa bàn quận Hà Đông.

Trong đường dây, mỗi người được giao, phân công những nhiệm vụ riêng như tìm khách vay, kiểm tra thông tin khách, làm thủ tục vay, nhắc khách nộp tiền... Ổ nhóm này có phương thức hoạt động là khách của đối tượng nào thì người đó phải tự thu lãi và đòi nợ, thu hồi vốn.

Theo cảnh sát, lãi suất cho vay của các đối tượng là 146-182%/năm, theo tỉ lệ "10 ăn 8", cắt lãi trước và trả trong 50 ngày. Trong khoảng thời gian hoạt động, ổ nhóm tín dụng đen đã cho khách tại 11 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội vay hàng tỉ đồng với lãi suất "cắt cổ". Vụ án đang được mở rộng điều tra.

Triệt phá đường dây tín dụng đen lãi suất
Ảnh minh họa.

Trước đó ngày 19/3, Công an TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) cũng vừa triệt phá thành công một nhóm 4 đối tượng trên địa bàn để làm rõ hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Qua quá trình khám xét, công an thu giữ hơn 60 hợp đồng cầm cố tài sản để vay tiền với tổng số 404 triệu đồng, mức lãi suất từ 3.000 - 30.000 đồng/triệu/ngày tùy khách.

Tại Nghệ An cũng vừa khởi tố một "quái nữa" với tội danh tương tự. Bước đầu, Cơ quan Công an chứng minh từ tháng 10/2022 cho đến khi bị bắt, đối tượng đã sử dụng số tiền trên 600 triệu đồng cho nhiều bị hại vay, thu lời bất chính hơn 80 triệu đồng.

Nạn nhân bị các đối tượng cho vay lãi suất cao hướng đến chủ yếu là những người cần tiền gấp đế kinh doanh, đầu tư,... nhưng ngại đến làm thủ tục vay tại các ngân hàng nên chấp nhận tìm đến hình thức vay với lãi suất “cắt cổ”. Người vay chỉ cần viết giấy vay tiền là có thể được “giải ngân” hàng chục triệu đồng. Quá trình đưa tiền cho người vay, các đối tượng sẽ trích lãi trực tiếp, sau đó tính lãi theo ngày. Nếu đến hạn nộp tiền mà người vay chưa kịp nộp thì sẽ bị nhắn tin hoặc trực tiếp đến nhà đe dọa, khủng bố.

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (thường gọi là tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự) được quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi 2017) như sau:

- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự (20%/năm).

Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.

- Thu lợi bất chính là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay.

Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.

Như vậy, theo Điều 201 Bộ luật hình sự thì người phạm tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự có thể phạt tù đến 03 năm.

Theo Thư viện Pháp luật.