Trong những tuần gần đây, các thương nhân cho biết, Trung Quốc đã mua từ 400.000 đến 500.000 tấn lúa mì từ Úc và Canada trong bối cảnh thời tiết nắng nóng gay gắt đe dọa sản lượng lúa mì tại các khu vực nông nghiệp trọng điểm của nước này.
Đáng chú ý, tỉnh Hà Nam – nơi sản xuất khoảng một phần ba sản lượng lúa mì của Trung Quốc – đầu tuần qua đã phát đi cảnh báo rủi ro do thời tiết khô hạn và nhiệt độ cao ảnh hưởng trực tiếp tới các cánh đồng lúa mì đang trong giai đoạn phát triển. Các giao dịch mua bao gồm bốn đến năm lô hàng, mỗi lô khoảng 55.000 tấn lúa mì xay xát từ Úc, dự kiến giao vào tháng 7 hoặc 8. Đồng thời, khoảng 200.000 tấn lúa mì từ Canada cũng đã được đặt hàng, theo các nguồn tin từ hai công ty thương mại lớn tại Úc.
Một trong những thương nhân tiết lộ rằng, đây là đơn hàng đầu tiên Trung Quốc ký với Úc kể từ năm ngoái – động thái cho thấy sự quay trở lại thị trường sau thời gian dài giảm nhập khẩu do mùa vụ trong nước bội thu vào năm 2024.
Mặc dù là nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn nhập khẩu khối lượng lớn ngũ cốc để bù đắp khi sản lượng nội địa không đáp ứng được nhu cầu. Riêng trong năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 11 triệu tấn lúa mì với trị giá 3,5 tỷ USD, chủ yếu từ Úc và Canada. Nhưng nhập khẩu đã chững lại đáng kể sau khi Trung Quốc đạt vụ mùa lớn đối với lúa mì và ngô trong năm ngoái. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc trích dẫn từ Trade Data Monitor, trong bảy tháng tính đến ngày 31/3, Trung Quốc chỉ nhập chưa tới 1 triệu tấn lúa mì.
![]() |
Một cánh đồng lúa mì tại Hà Nam, Trung Quốc |
Một nguồn tin tiết lộ, công ty của họ đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng lúa mì năm 2025 của Trung Quốc khoảng 5 triệu tấn. Dù vậy, việc nước này có tiếp tục mua thêm hay không vẫn là điều chưa chắc chắn, do lượng tồn kho lúa mì nội địa hiện vẫn còn rất dồi dào. Rod Baker, nhà phân tích tại Australian Crop Forecasters ở Perth, nhận định: “Trung Quốc hiện đủ khả năng tự cung cấp ngũ cốc dùng cho chăn nuôi nhờ tồn kho lớn. Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế đang chững lại cũng khiến nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc sụt giảm”.
Ngoài ra, các nhà giao dịch tại Winnipeg – trung tâm ngành ngũ cốc Canada – cho biết thông tin về thương vụ bán lúa mì cho Trung Quốc đã lan rộng trong giới nông nghiệp, dù chi tiết cụ thể vẫn còn khá ít. Một thương nhân khác nhận định, việc Trung Quốc tránh mua lúa mì từ Mỹ có thể do ảnh hưởng của thuế quan và căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Trước đây, Mỹ từng là một trong những nguồn cung chính của Trung Quốc.
Sự suy giảm trong nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ đầu niên vụ 2024/25 cũng góp phần làm giá lúa mì quốc tế chững lại. Hợp đồng tương lai lúa mì tại Chicago hiện vẫn dao động quanh mức thấp nhất trong bốn năm qua – từng được thiết lập vào tháng 7 năm ngoái.
Tuy nhiên, với rủi ro thời tiết đối với mùa vụ sắp tới cùng với mức giá hấp dẫn trên thị trường, nhiều thương nhân nhận định, Trung Quốc có thể đang quay trở lại thị trường thế giới khi bước vào niên vụ 2025/26.
Lúa mạch: Trung Quốc cũng gia tăng mua vào
Không chỉ lúa mì, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng mua một lượng lớn lúa mạch mới thu hoạch từ Pháp và Ukraine, theo các thương nhân quốc tế.
Một số nguồn cho biết có ít nhất sáu tàu chở hàng loại panamax – mỗi tàu có khả năng vận chuyển khoảng 60.000 tấn – đã được đặt hàng với tổng khối lượng vào khoảng 360.000 tấn, giao hàng vào tháng 7 hoặc 8. Những người khác ước tính tổng lượng giao dịch có thể lên tới 1 triệu tấn.
Một thương nhân Đức nhận định: “Trong suốt năm qua, hoạt động mua lúa mì và lúa mạch của Trung Quốc gần như im ắng. Đây là những thương vụ lớn đầu tiên tôi chứng kiến trong nhiều tháng trở lại đây.”
Lô hàng lúa mạch này được giao với mức giá khoảng 250–254 USD/tấn, bao gồm vận chuyển đến Trung Quốc. Hàng hóa có nguồn gốc linh hoạt – có thể từ Ukraine hoặc Pháp – tùy điều kiện thực tế khi giao hàng.