Thứ tưởng như bỏ đi lại là “vàng quý” của Trung Quốc

Cứ vào mùa thu, người Quảng Đông, Trung Quốc đều sẽ làm một việc, đó là “phơi vỏ quýt”. Được biết, cứ từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, cả khu Tân Hội (thành phố Giang Môn, Quảng Đông) sẽ được bao phủ bởi một màu vàng óng.

Theo đó, vỏ quýt Tân Hội được chế biến từ quýt Tân Hội, một đặc sản địa phương và được mệnh danh là đệ nhất trong "ba bảo vật" của Quảng Đông. Nó cũng là một trong 10 vị thuốc nam quý giá hàng đầu.

Trên trang thương mại của một công ty địa phương ở Tân Hội, vỏ quýt khô 10 năm tuổi có giá gần 12.000 NDT/kg (tương đương hơn 42 triệu đồng), 1 hũ 120gr vỏ quýt khô 21 năm tuổi có giá gần 30.000 NDT (tương đương hơn 105 triệu đồng). Vì vậy người Trung Quốc đã ví vỏ quýt là “vàng”.

Theo Báo Đô thị Phương Nam (Quảng Châu), hiện nay, quy mô thị trường vỏ quýt Tân Hội đã vượt 10 tỷ NDT, tạo cơ hội việc làm cho 55.000 người. Vỏ quýt Tân Hội đã chuyển từ phụ phẩm nông nghiệp đơn lẻ sang sản phẩm văn hóa sức khỏe, ẩm thực tới sản phẩm tài chính.

Với Tân Hội, vỏ quýt khô đã làm phát đạt cả một ngành, làm giàu cho người dân và làm rạng danh cả một thành phố.

Trung Quốc cao tay biến ‘thứ bỏ đi như rác’ thành ‘vàng quý’, giúp người dân tiền không đếm xuể
Vỏ quýt Tân Hội được chế biến từ quýt Tân Hội, một đặc sản địa phương và được mệnh danh là đệ nhất trong "ba bảo vật" của Quảng Đông, Trung Quốc

Đầu năm 2019, Viện Nghiên cứu Y học cổ truyền Jeju Hàn Quốc cũng đã đến thăm Tân Hội và ký thỏa thuận hợp tác. Hai bên đã cùng nhau hợp tác nghiên cứu và phát triển dòng mỹ phẩm chiết xuất từ quýt Tân Hội.

Được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn

Tại Tân Hội có hơn 200 cửa hàng bán lẻ, bán buôn và chế biến vỏ quýt nằm gần nhau. Đây là một khu phức hợp văn hóa thương mại và nông nghiệp điển hình quy mô lớn với diện tích 250.000m2, tích hợp các hình thức giải trí dưỡng sinh, trải nghiệm văn hóa sinh thái và giao dịch vỏ quýt.

Năm 2013, ông Ngô Quốc Vinh, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đã bỏ ra 500 triệu NDT để thành lập thôn Trần Bì, chiêu mộ gần 300 thương nhân để thành lập tổ hợp này.

Tại Tân Hội, vỏ quýt không chỉ để giao dịch thương mại mà còn có thể được dùng làm tài sản thế chấp để vay vốn. Ở trung tâm giao dịch trần bì, giá giao dịch mới nhất của vỏ quýt sẽ được lưu trữ hiển thị trên màn hình lớn theo thời gian thực, vỏ quýt càng có tuổi đời lớn càng có giá trị giao dịch cao.

Do là một sản phẩm có tính chất tài chính nên năm 2013, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Thương mại Nông thôn Giang Môn cùng tham gia hệ thống tài chính trần bì, thành lập "Ngân hàng trần bì" đầu tiên trên cả nước. Ngân hàng sẽ đánh giá nông dân và hộ kinh doanh cần vay vốn, sau đó cung cấp khoản vay phù hợp dựa trên 30%-70% giá thị trường của vỏ quýt.