Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, vốn hóa thị trường của TTCK Mỹ hiện cao hơn 38 nghìn tỷ USD so với tổng vốn hóa của chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc cộng lại. Đây là mức chênh lệch kỷ lục từ trước đến nay.

Sự khác biệt ngày càng tăng xảy ra khi những đợt bán tháo phản ánh một bức tranh đáng lo ngại về tâm lý của nhà đầu tư toàn cầu đối với nền kinh tế số 2 thế giới. Ngược lại, chứng khoán Mỹ đã lập kỷ lục mới, chủ yếu nhờ nhóm công nghệ vốn hóa lớn, trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay và nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm.

Bloomberg mới đây đưa tin chứng khoán Trung Quốc “bốc hơi” hơn 6,3 nghìn tỷ USD giá trị thị trường kể từ mức đỉnh được lập vào tháng 2/2021. Cùng thời gian đó, chứng khoán Mỹ lại tăng khoảng 5,3 nghìn tỷ USD vốn hóa.

Trung Quốc chưa bao giờ thua xa Mỹ đến vậy: Vốn hóa TTCK thấp hơn 38.000 tỷ USD so với chứng khoán Mỹ
Chênh lệch kỷ lục giữa giá trị thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Các nhà đầu tư tỏ ra thất vọng trước những nỗ lực không đủ của Bắc Kinh nhằm vực dậy nền kinh tế đang vật lộn với giảm phát và khủng hoảng bất động sản tiếp diễn.

Nhiều chiến lược gia của Bloomberg ước tính có 51% khả năng chỉ số MSCI China sẽ giao dịch dưới mức đỉnh trong khoảng 35 tháng.

Mặt khác, xu hướng này kéo dài quá lâu đến mức một số nhà đầu tư bắt đầu dự đoán tiềm năng phục hồi về mặt kỹ thuật, do định giá hiện nay đang ở mức rẻ.

Cụ thể, sau đợt bán tháo, chỉ số MSCI China Index rẻ hơn 60% so với chỉ số chuẩn của Mỹ xét theo chỉ số P/E. Hiện P/E foward của chỉ số MSCI China vào khoảng 8 lần, trong khi của chỉ số S&P 500 là 20 lần.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chuỗi ngày ảm đạm của chứng khoán Trung Quốc sẽ sớm kết thúc. Chưa đầy một tháng sau khi bước sang năm mới 2024, chỉ số gồm cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã giảm 13%, trở thành chỉ số chuẩn có hiệu suất kém nhất toàn cầu.