Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến hết tháng 4/2025 đạt 11.645 tỷ đồng. Kết quả này tương ứng 43,1% so với dự toán cả năm mà Hội đồng Nhân dân tỉnh đã giao, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Mức thu hiện tại cũng đạt 36,3% so với chỉ tiêu trong kịch bản phấn đấu tăng trưởng hai con số mà tỉnh đề ra trong năm nay. Đây là kết quả đáng khích lệ và thể hiện những tín hiệu tích cực, tạo nền tảng vững chắc để Vĩnh Phúc thực hiện mục tiêu ngân sách trong những tháng tiếp theo.

Cơ cấu thu cho thấy sự ổn định từ sản xuất kinh doanh với mức thu đạt 8.441 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán và tăng 12,5% so với cùng kỳ. Khi cộng thêm các khoản được gia hạn, con số này đạt tới 9.491 tỷ đồng. Lĩnh vực này hiện chiếm tới 82% tổng thu nội địa toàn tỉnh.

Trong đó, thu từ khu vực FDI trong 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 7.220 tỷ đồng (47,2% dự toán), nếu cộng thêm khoản gia hạn thì đạt 8.205 tỷ đồng (53,6% dự toán), chiếm 86% thu từ sản xuất kinh doanh. Hai doanh nghiệp chủ lực đóng góp lớn trong khu vực này là Honda và Toyota với tổng thuế nộp đạt 6.720 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 261 tỷ đồng, tương đương tăng 22,4%.

Những kết quả trên phản ánh những nỗ lực của Vĩnh Phúc trong việc tháo gỡ khó khăn, phối hợp cùng các Bộ, ngành thúc đẩy môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Trước khi ‘về chung nhà’ với Phú Thọ và Hòa Bình, tỉnh này vừa đón tin vui kinh tế
Ảnh minh họa - Nguồn: VGP

Năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc được Trung ương và Hội đồng Nhân dân tỉnh giao tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 27.026 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 22.026 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu thu ngân sách Nhà nước và đưa GRDP của tỉnh tăng trưởng từ 10-11%, Tỉnh ủy quyết liệt chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu, kế hoạch ngân sách cho các sở, ngành, địa phương; chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, ba tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình sẽ hợp nhất thành tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.

Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình là ba tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc với nhiều điểm tương đồng về tự nhiên, dân cư, văn hóa và vị trí địa lý chiến lược. Việc sáp nhập 3 địa phương này sẽ mở ra cơ hội tái cấu trúc không gian phát triển, nâng cao hiệu quả điều hành, tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, chuyển đổi số, phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững.

Sau sắp xếp, tỉnh Phú Thọ mới có diện tích tự nhiên hơn 9.361km2; dân số hơn 4 triệu người. Tỉnh Phú Thọ mới sẽ đảm bảo nguyên tắc tổng số cán bộ có mặt thực tế không vượt quá tổng số cán bộ của 3 tỉnh trước khi sáp nhập. Việc tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức, trong lộ trình 5 năm phải cơ bản hoàn tất bố trí theo đúng quy định.