Kinh tế tư nhân đang có nhiều tồn tại
Phát biểu tại tọa đàm Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá kinh tế tư nhân ở Việt Nam cho thấy đang tồn tại nhiều hạn chế sâu sắc.
![]() |
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có ba động lực chính sẽ dẫn dắt kinh tế giai đoạn cuối năm. |
Về nguyên nhân, ông Nghĩa cho rằng tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 ước đạt khoảng 400 tỷ USD, trong đó khu vực FDI chiếm tới 300 tỷ USD, khu vực trong nước chỉ đạt khoảng 100 tỷ USD. Đáng chú ý, trong 100 tỷ USD này, khoảng 50 tỷ USD đến từ khu vực nông nghiệp.
“Nền công nghiệp Việt Nam là một 'nền công nghiệp zero'. Nói cách khác, đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp là rất hạn chế, gần như bằng không”, ông Nghĩa nói.
Điều này đặt ra câu hỏi: phải chăng nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa thực sự coi trọng khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian qua? Theo ông Nghĩa, câu trả lời không hẳn đơn giản như vậy. Bởi thực tế, nhiều quốc gia Đông Nam Á – nơi mà nền kinh tế gần như 100% dựa vào khu vực tư nhân – cũng rơi vào tình trạng yếu kém tương tự. Họ cũng coi trọng kinh tế tư nhân, nhưng hiệu quả phát triển vẫn không cao.
“Điều đó cho thấy vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở việc có coi trọng kinh tế tư nhân hay không, mà là ở chất lượng thể chế và chất lượng của chính phủ. Một thể chế yếu kém, dù có ủng hộ kinh tế tư nhân, vẫn không thể tạo ra một môi trường thuận lợi để khu vực này phát triển hiệu quả. Sự yếu kém không đơn thuần là do thiếu quan tâm đến kinh tế tư nhân, mà chủ yếu xuất phát từ nền tảng quản trị quốc gia còn chưa đạt yêu cầu”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Việt Nam cần hành động quyết liệt
Về sự ra đời của Nghị quyết 68, ông Nghĩa khẳng định đây là một văn kiện quan trọng, thể hiện chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, không thể kỳ vọng chỉ nhờ một Nghị quyết mà kinh tế Việt Nam sẽ đột phá. Nếu thể chế không thực sự chuyển biến, Việt Nam có thể đi vào vết xe đổ của các nước Đông Nam Á – nơi từng kỳ vọng lớn vào khu vực tư nhân nhưng lại không đạt được thành công.
![]() |
Việt Nam cần hành động quyết liệt. |
Trong khi đó, sự so sánh giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á là rất đáng lưu ý: các quốc gia Đông Bắc Á thành công bao nhiêu thì các nước Đông Nam Á thất bại bấy nhiêu. Những "rồng con" từng được kỳ vọng ở Đông Nam Á cuối cùng cũng dần thất bại – cho thấy rõ ràng rằng thể chế và chất lượng điều hành quốc gia mới là yếu tố quyết định thành – bại.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, một trong những thất bại lớn của 4 quốc gia Đông Nam Á là thất bại về cấu trúc tài chính. Các nước này đã tư nhân hóa toàn bộ hệ thống ngân hàng và gắn liền với bất động sản. Hệ quả là rất nhiều ngân hàng nhỏ ra đời, cạnh tranh khốc liệt để huy động vốn, chủ yếu đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản. Sự cạnh tranh gay gắt này khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên rất cao, lên tới 12% - 15%. Với mức lãi suất như vậy, không một nền công nghiệp non trẻ nào có thể trụ vững. Lãi suất cao đã bóp nghẹt các doanh nghiệp sản xuất và làm lệch lạc ưu tiên phát triển của nền kinh tế.
Không chỉ tín dụng ngân hàng, ngay cả kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng chủ yếu phục vụ bất động sản. Cũng có những doanh nghiệp tiên phong phát hành trái phiếu ngoài lĩnh vực bất động sản, song thực tế, các doanh nghiệp này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
“Cấu trúc tài chính của Việt Nam hiện nay cũng mang ‘dáng dấp’ tương tự các nước Đông Nam Á – quá tập trung vào bất động sản. Nếu muốn xây dựng một nền kinh tế dựa trên công nghiệp hiện đại và bền vững, chúng ta cũng phải chuyển hướng, ưu tiên rõ ràng cho sản xuất – công nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Vấn đề thứ hai nằm ở chỗ: doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không có nguồn lực tài chính để đầu tư cho khoa học – công nghệ. Trong khi đó, tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản… chính phủ đóng vai trò chủ lực trong việc tài trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển cho khu vực tư nhân.
Theo vị chuyên gia này, chính nhờ sự hậu thuẫn này, các doanh nghiệp mới có thể tạo ra đột phá công nghệ và từ đó thúc đẩy công nghiệp hóa. Nhật Bản là ví dụ điển hình. Trong ba gói kích thích kinh tế lớn gần đây, có một gói trị giá tới 70 tỷ USD được rót trực tiếp vào khu vực tư nhân để phát triển khoa học – công nghệ. Chính phủ chủ động đóng vai trò “người dẫn đường”, đầu tư mạnh mẽ vào tương lai chứ không chỉ hỗ trợ về mặt chính sách.
“Muốn theo kịp các nền kinh tế phát triển, Việt Nam cũng phải hành động quyết liệt, có tầm nhìn chiến lược, không thể làm một cách hời hợt. Nghị quyết 68 là một dấu mốc quan trọng, song chỉ ra một nghị quyết là chưa đủ. Điều cần thiết là tất cả phải làm một cách thật quyết liệt, không hời hợt, chỉ như thế Nghị quyết mới có thể thực sự thành công”, ông Nghĩa cho hay.