Phát biểu thẳng thắn tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới", ngày 18/7, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), không chỉ nói về mục tiêu trung hòa carbon như một lộ trình phát triển xanh, mà còn cảnh báo về những rào cản đến từ chính con người, đặc biệt là các lực cản mang tính lợi ích cục bộ, chủ nghĩa dân túy và tư duy trì trệ.
“Net Zero là một trong những cam kết vĩ đại nhất mà nhân loại từng đưa ra. Chưa từng có một cam kết nào quy tụ được gần như tất cả quốc gia trên thế giới cùng theo đuổi như vậy,” ông Nghĩa nhận định.
Thế nhưng, ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nỗ lực này đang bị kìm hãm bởi chính những người đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích hành tinh: “Những ai phản đối Net Zero không phải vì không thấy hiểm họa, mà vì động cơ ích kỷ".
"Ông Trump từng rút khỏi Thỏa thuận Paris, viện dẫn rằng “nước Mỹ cần năng lượng” – mà năng lượng chủ yếu là từ dầu mỏ, dầu đá phiến. Với ông, biến đổi khí hậu là câu chuyện dài hạn, còn hiện tại, thế giới đang thiếu năng lượng, đặc biệt là điện. Do đó, ông ưu tiên củng cố vị thế Mỹ, gây sức ép với các quốc gia yếu hơn, và không ủng hộ cam kết Net Zero."
![]() |
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển. Ảnh minh hoạ. |
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết, đó không phải là lập trường của giới doanh nghiệp. Trong các cuộc tham vấn với Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, ông nhận được một thông điệp hoàn toàn trái ngược:
“Tổng thống nói gì là việc của ông ấy, nhưng 100% doanh nghiệp chúng tôi đều làm báo cáo phát thải khí nhà kính và báo cáo phát triển bền vững (ESG). Vì sao? Vì đó là thương hiệu của chúng tôi. Nếu không có hai báo cáo này, chúng tôi không thể bán hàng ra thị trường quốc tế – và càng không thể bán cho người tiêu dùng Mỹ có ý thức".
TS. Nghĩa khẳng định rằng, Net Zero không còn là lựa chọn mang tính đạo đức hay phong trào nữa. Nó đã trở thành điều kiện sống còn để một doanh nghiệp có thể tồn tại trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Họ nhấn mạnh, Tổng thống có thể làm gì thì làm, còn doanh nghiệp chúng tôi vẫn phải tuân thủ Net Zero, vì đó là điều kiện sống còn – là giấy phép xuất khẩu".
Ngay tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu hơn 2.000 doanh nghiệp lớn phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính, coi đó là nền tảng cho phát triển bền vững và hội nhập.
Bên cạnh doanh nghiệp, các lĩnh vực như hàng không cũng đang chuẩn bị chịu trách nhiệm trước hành vi phát thải. Từ năm 2027, ngành hàng không toàn cầu sẽ bắt đầu đánh thuế phát thải khí nhà kính – và khoản thuế đó sẽ thể hiện trực tiếp trên vé máy bay. Các hãng hàng không Việt Nam cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho điều này.
"Điều đó cho thấy, cuộc chiến chống phát thải khí nhà kính không bị gián đoạn, không vì một số cá nhân mà chậm lại. Những động lực thị trường, ràng buộc thương mại và xu thế tiêu dùng toàn cầu đang đẩy Net Zero trở thành chuẩn mực sống còn", ông Nghĩa nhận định.
Trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, ông nhấn mạnh rằng, cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 không chỉ là mục tiêu phát triển xanh, mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư bền vững.
“Chúng ta không còn nhiều thời gian. 25 năm tới là một hành trình đầy thách thức, đòi hỏi toàn xã hội – từ Chính phủ đến doanh nghiệp, người dân phải cùng chung tay thực hiện", ông nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận nhiều giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy hình thành và vận hành hiệu quả thị trường carbon tại Việt Nam. Trong đó, các cơ quan quản lý được đề xuất ưu tiên xây dựng lộ trình thực thi đồng bộ, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, có khả năng kết nối và tích hợp với thị trường tín chỉ quốc tế.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động thực hiện kiểm kê khí nhà kính, đồng thời đầu tư vào các giải pháp giảm phát thải thông qua liên kết chiến lược với các đơn vị tư vấn và nhà đầu tư có kinh nghiệm – vừa tối ưu chi phí, vừa tạo dư địa tăng trưởng lợi nhuận xanh.
Đối với khối tài chính, các đại biểu kiến nghị phát triển sản phẩm bảo hiểm tín chỉ carbon, quỹ đầu tư xanh, hoặc các công cụ tài chính phát sinh gắn với giá tín chỉ carbon. Đây sẽ là những đòn bẩy quan trọng giúp thị trường có thêm dòng vốn ổn định, dài hạn, phục vụ mục tiêu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giao dịch tín chỉ carbon trong giai đoạn tới.